Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, hiện tượng ô nhiễm
môi trường nước đã làm cho hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt. Mặc dù các
cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật
về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại.
Ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ việc các ao, hồ, sông tiếp nhận nhiều
loại nguồn thải, môi trường nước mặt đang ở tình trạng ô nhiễm tại nhiều
nơi. Tuy nhiên, nguồn thải chính tác động đến môi trường nước mặt ở nước ta là
nước thải nông nghiệp, công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Mức độ gia tăng các
nguồn nước thải hiện nay ngày càng lớn với quy mô rộng ở hầu hết các vùng miền
trong cả nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều ngành
công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất cũng như phạm vi phân bố. Cùng với đó
là sự gia tăng lượng nước thải lớn, trong khi đó, mức đầu tư cho hệ thống xử lý
nước thải chưa đáp ứng yêu cầu.
Nước thải sinh hoạt chiếm trên 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông
hồ hay kênh rạch dẫn ra sông. Theo số liệu tính toán của cơ quan môi trường cho
thấy Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải
sinh hoạt nhất cả nước. Vùng Đông Nam Bộ với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng kinh tế
trọng điểm phía Nam, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, là vùng có lượng
phát sinh nước thải công nghiệp lớn nhất cả nước. Số lượng khu công nghiệp có hệ
thống xử lý nước thải vẫn đang ở mức trung bình (50-60%), hơn nữa, 50% trong số
đó vẫn chưa hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh những nguồn thải nêu trên, nước thải nông nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn
nước tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như vùng đồng
bằng sông Cửu Long. Nước thải từ hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ
thực vật hay thuốc trừ sâu là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con
người. Đặc biệt, các khu vực này, đời sống dân cư vẫn gắn với nguồn nước sông,
dùng làm nước sinh hoạt hay sử dụng để nuôi trồng thủy sản.
Đáng chú ý, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3
nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ
thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều
loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 5.000
doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề. Hơn
13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000
m3 nước thải y tế.
Nhìn chung chất lượng nước ở thượng lưu các con sông còn khá tốt, nhưng
vùng hạ lưu phần lớn đã bị ô nhiễm, có nơi ở mức nghiêm trọng. Môi trường nước
mặt ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Chất lượng nước ngày càng bị suy giảm mạnh.
Điển hình là các con sông như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ
của Hà Nội vốn là cảnh quan thiên nhiên rất đẹp của Hà Nội, nay biến thành kênh
thoát nước thải chưa được xử lí, các chất ô nhiễm hữu cơ vượt quy chuẩn cho
phép đối với nước loại B nhiều lần, mặt nước biến thành màu đen, các khí NH3,,
CH4, H2S bốc mùi hôi rất khó chịu.
Ngoài ra, hiện nay nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt
là các khu công nghiệp và đô thị có nguy cơ cạn kiệt vào mùa khô và ở một số
nơi đã có dấu hiệu bị ô nhiễm. Ở nước ta, nước sử dụng sinh hoạt là 70% nước mặt
và 30% nước ngầm. Tuy nhiên trong những năm gần đây do khai thác quá mức nên mạch
nước ngầm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị ô
nhiễm các chất hữu cơ và gây sụt lún.
Vì vậy, vai trò bảo vệ nguồn tài nguyên nước của
nhà nước là vô cùng quan trọng và cần được quan tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét