Một ngày nên nghĩa là quan
niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của người phương Đông. Với quan niệm này, nhiều cặp
vợ chồng đã chung sống với nhau hạnh phúc trọn đời. Nhưng những năm trở lại đây,
khi mà nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, sự nhìn nhận vấn đề hôn nhân đã
có nhiều thay đổi. Cùng với những tác động khác nhau, ly hôn có xu hướng tăng mạnh.
Xét về mặt xã hội, ly hôn là
giải pháp để giải quyết tình trạng mâu thuẫn trầm trọng của quan hệ vợ chồng. Xét về mặt pháp lý, theo
quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt
quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nếu, kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa hai
bên nam nữ kết hôn và trao cho họ những quyền và nghĩa vụ pháp lý của vợ chồng
thì ly hôn chính là một trong những sự kiện pháp lý dẫn tới việc chấm dứt quan
hệ đó.
Tòa án nhân danh Nhà
nước kiểm soát việc ly hôn thông qua hoạt động giải quyết các yêu cầu ly hôn.
Khi giải quyết yêu cầu ly hôn, Thẩm phán sẽ dựa trên cơ sở những căn cứ ly hôn
do pháp luật quy định chứ không thể dựa vào kinh nghiệm chủ quan của mình.
Căn cứ ly hôn
Nhà nước công nhận quyền
tự do ly hôn không đồng nghĩa với việc giải quyết ly hôn một cách tùy tiện theo
ý chí của vợ, chồng, cả hai vợ chồng hay của bất kì chủ thể nào khác.
Quan điểm của nhà nước
xã hội chủ nghĩa là giải quyết ly hôn dựa vào thực chất của quan hệ vợ chồng,
trên cơ sở đánh giá một cách khách quan. Những căn cứ pháp lý về ly hôn được
quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình phản ánh bản chất của hôn nhân đã tan vỡ,
nghĩa là hôn nhân đã “chết”. Tòa án phải giải quyết quyền yêu cầu ly hôn trên
cơ sở những dấu hiệu được quy định ở căn cứ pháp lý để xem xét, đánh giá khách
quan, toàn diện bản chất thực sự của tình trạng hôn nhân: quan hệ vợ chồng đã
không thể tồn tại được nữa.
Như vậy, căn cứ ly hôn
có thể hiểu là những tình tiết, điều kiện do pháp luật quy định mà khi có những
tình tiết, điều kiện đó thì Tòa án mới ra những quyết định công nhận thuận tình
ly hôn hoặc ra bản án ly hôn. Khi nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt
Nam về căn cứ ly hôn qua các thời kì cho thấy, pháp luật Việt Nam về căn cứ ly
hôn qua các thời kì có những điểm khác biệt nhất định, các văn bản luật Hôn
nhân và Gia đình sau đều có sự kế thừa và phát triển văn bản trước. Căn cứ ly
hôn theo luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã phản ánh đúng bản chất của ly
hôn, quy định bao quát được các trường hợp ly hôn, nâng cao trách nhiệm của hai
bên vợ chồng đối với hôn nhân, đảm bảo định hướng nhận thức cho người dân và cả
người thực thi pháp luật về vấn đề ly hôn.
Hậu quả của ly hôn
Ngày này, tuy vấn đề ly
hôn đã được nhìn nhận theo chiều hướng tích cực hơn nhưng những ảnh hưởng tiêu
cực mà nó để lại cho gia đình và cho xã hội là không nhỏ. Việc giải quyết hậu
quả pháp lý của ly hôn là một vấn đề mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bởi hậu quả
của ly hôn không chỉ là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng trước pháp luật mà còn
bao gồm rất nhiều vấn đề khác như: chia tài sản chung của vợ chồng; giao con
chưa thành niên cho một bên nuôi dưỡng, giáo dục và quyết định mức cấp dưỡng nuôi
con; giải quyết việc cấp dưỡng giữa vợ chồng khi có yêu cầu…
Trên cơ sở kế thừa và
phát triển các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình trước, Luật Hôn nhân và
Gia đình năm 2014 đã quy định khá đầy đủ và cụ thể hậu quả pháp lý của ly hôn.
Những quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp phát
sinh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên đặc biệt là quyền lợi của
phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc áp dụng các quy định này còn
gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, cần hoàn thiện các quy định của pháp
luật kết hợp với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, thực hiện tốt
việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét