Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng

Quyền xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng là một quyền chính đáng mà các tổ chức tín dụng có được theo sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng khi xác lập giao dịch cấp tín dụng và giao dịch bảo đảm. Các thỏa thuận về quyền thu giữ, xử lý tài sản của các bên liên quan là phù hợp với Hiến pháp và các quy định của pháp luật. Các quyền xử lý tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng như sau:


Phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận


Theo quy định tại khoản 1 Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 các bên có thể thỏa thuận một trong những phương thức sau đây để xử lý tài sản cầm cố, thế chấp: (i) bán đấu giá tài sản; (ii) bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; (iii) bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; hoặc (iv) phương thức khác.

So với quy định cũ, cách tiếp cận này góp phần làm đa dạng hóa các phương thức xử lý tài sản bảo đảm.

Tuy nhiên, phương thức xử lý bảo đảm theo thỏa thuận này không áp dụng cho trường hợp một bên thế chấp hay cầm cố tài sản của mình để bảo đảm cho một bên khác vay vốn tại tổ chức tín dụng và trong trường hợp này, các bên buộc phải quy định phương thức xử lý bảo đảm khác.

Đưa tài sản ra đấu giá


Trong thực tế, đấu giá tài sản là phương thức bán tài sản phổ biến nhất để xử lý tài sản bảo đảm.

Để tổ chức tín dụng có thể chủ động ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá tài sản thì trong hợp đồng bảo đảm phải nêu rõ quyền của tổ chức tín dụng được “tự bán tài sản bảo đảm thông qua đấu giá hoặc không qua đấu giá”, như vậy mới thỏa mãn được yêu cầu có thỏa thuận của các bên về việc tổ chức tín dụng có quyền đưa tài sản ra đấu giá nêu tại khoản 5 Điều 5 Luật đấu giá tài sản.

Cùng với đó, để tổ chức tín dụng được quyền chủ động bán đấu giá tài sản thì trong hợp đồng bảo đảm cần có một điều khoản ủy quyền theo đó bên bảo đảm (là chủ sở hữu tài sản) ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán đấu giá tài sản hoặc quy định rõ tổ chức tín dụng có quyền đưa tài sản ra bán đấu giá.


Đất bị thu hồi


Cho tới thời điểm hiện tại, bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tài sản bảo đảm của hầu hết các tổ chức tín dụng. Việc xử lý loại tài sản bảo đảm này cũng đặt ra cho tổ chức tín dụng nhiều khó khăn nhất trong thực tế.

Theo quy định tại Điều 43a Nghị định 43/2014/NĐ-CP, nếu đất mà có quyền sử dụng đất đang thế chấp bị Nhà nước thu hồi thì hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất sẽ mặc nhiên chấm dứt. Lúc này tổ chức tín dụng chỉ có thể trông đợi vào số tiền Nhà nước bồi thường cho bên thế chấp nếu hợp đồng thế chấp có quy định về việc tổ chức tín dụng được nhận số tiền bồi thường này

Bán khoản vay được bảo đảm


Điều 174 Luật Đất đai quy định tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hay cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần, được thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Trong thực tế, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là bên nhận thế chấp luôn luôn phải là tổ chức tín dụng. Tuy nhiên quy định tại điểm c khoản 2 Điều 81 Nghị định số 43/2014 NĐ-CP đã tháo gỡ vướng mắc nêu trên do khái niệm “tổ chức” ở đây mang nghĩa rộng, không chỉ bao gồm tổ chức tín dụng mà còn cả VAMC hay các doanh nghiệp khác không phải là tổ chức tín dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét