Tư cách chủ thể của cá nhân chỉ đầy đủ, hoàn thiện, độc lập khi họ có đầy
đủ năng lực hành vi dân sự, ngoài năng lực pháp luật dân sự vốn là thuộc tính
được pháp luật ghi nhận cho mọi cá nhân. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân có
thể hiểu là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền,
nghĩa vụ dân sự.
Nếu năng lực pháp luật là tiền đề, là quyền dân sự khách quan của chủ thể
thì năng lực hành vi là khả năng hành động của chính chủ thể để tạo ra các quyền,
thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ. Ngoài ra, năng lực hành vi dân sự còn bao
hàm cả năng lực tự chịu trách nhiệm dân sự khi vi phạm nghĩa vụ dân sự. Năng lực
hành vi dân sự là thuộc tính của cá nhân, tạo thành tư cách chủ thể độc lập của
cá nhân trong quan hệ dân sự. Mọi người từ đủ 18 tuổi trở lên đều được pháp luật
quy định là có năng lực hành vi dân sự một cách đủ, trừ trường hợp bị mất hoặc
bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Năng lực hành vi dân sự của cá
nhân không giống nhau. Việc xác định mức độ năng lực hành vi dân sự dựa vào khả
năng nhận thức để phân biệt thành các mức độ khác nhau.
Thứ nhất, năng lực hành vi dân sự
đầy đủ: Người đủ 18 tuổi trở lên có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi
của mình có quyền tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập và
tự chủ trách nhiệm về những hành vi do họ thực hiện.
Thứ hai, năng lực hành vi dân sự
một phần: Người có năng lực hành vi dân sự một phần là người có thể xác lập, thực
hiện quyền nghĩa vụ trong một giới hạn nhất định, ngoài ra các quan hệ dân sự
khác phải có sự đồng ý của người đại diện mới có giá trị pháp lý.
Thứ ba, không có năng lực hành vi
dân sự: Người chưa đủ 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch
do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Thứ tư, mất năng lực hành vi dân
sự: Theo quy định của Bộ luật dân sự, việc tuyên bố mất năng lực hành vi thuộc
thẩm quyền của Tòa án và theo thủ tục tố tụng dân sự. Trước khi đưa vụ án ra
xét xử để quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, toàn an phải trưng cầu
giám định và có kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần để tránh tình trạng
nhầm lẫn trong quyết định.
Tóm lại cần hiểu rõ năng lực hành vi dân sự của cá nhân là gì, đặc điểm
của năng lực hành vi dân sự cá nhân để từ đó có thể phân biệt được cá nhân nào
có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, cá nhân nào bị hạn chế hay bị mất năng lực
hành vi dân sự từ đó có thể xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự của
mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét