Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Bản chất trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có bản chất là loại trách nhiệm nhà nước bồi thường thiệt hại về dân sự do xâm phạm quyền tư pháp trong hoạt động tố tụng. Sự tồn tại của trách nhiệm nhà nước xuất phát từ mối quan hệ có tính biện chứng giữa việc thực thi quyền lực nhà nước với giới hạn của việc sử dụng quyền lực đó. Vì vậy, khi hoạt động tố tụng trái pháp luật làm phát sinh thiệt hại cho công dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm khắc phục tổn thất đó trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật dân sự là bình đẳng, thỏa thuận, tôn trọng quyền định đoạt của đương sự.


Đặc điểm trách nhiệm bồi thường do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra 

    
Trách nhiệm dân sự do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trước hết là một dạng cụ thể của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, nên nó có đầy đủ đặc điểm của loại trách nhiệm này. Đó là lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của pháp nhân hay chủ thể khác theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại này còn có những đặc điểm riêng sau:

Thứ nhất, đây là loại trách nhiệm dân sự mà một hoặc một số cá nhân có thẩm quyền khi tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại bằng chính hành vi tiến hành tố tụng của mình, nhưng trước hết Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ và sau đó mới phát sinh trách nhiệm hoàn trả.

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng là loại trách nhiệm trong đó hành vi gây thiệt hại có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiến hành tố tụng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc cơ quan nào trong thực tế rất khó khăn, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại.

Căn cứ để thụ lý một vụ khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do người của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.


Căn cứ thứ nhất, các quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền hoặc hành vi tố tụng trái pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Về phương diện pháp lý, đây là quyết định hoặc hành vi tố tụng xâm phạm quyền tư pháp dẫn đến oan, sai gây thiệt hại cho công dân.

Căn cứ thứ hai, thiệt hại thực tế, bao gồm thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tài sản, thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại về tinh thần.

Căn cứ thứ ba, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị oan, sai.


Vai trò của Nhà nước trong các hoạt động đối với người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.


Cá nhân có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ tố tụng đã nhân danh quyền lực Nhà nước, việc nhân danh này dựa trên một cơ chế Nhà nước ủy quyền theo quy định của pháp luật. Việc nhân danh Nhà nước một cách gián tiếp hoặc trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ tố tụng một mặt tạo điều kiện về địa vị pháp lý để cá nhân tiến hành tố tụng hoàn thành nhiệm vụ, mặt khác xác định trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và các cá nhân tiến hành tố tụng. Do vậy, Nhà nước phải liên đới chịu trách nhiệm trước hết về những hành vi của người tiến hành tố tụng khi những hành vi này đã gây thiệt hại cho người dân.


Có thể thấy, vai trò của Nhà nước đối với các hoạt động của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thể hiện trên nhiều phương diện: Nhà nước trao quyền lực của mình cho các cơ quan và người có thẩm quyền của các cơ quan này. Đồng thời kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đó và là chủ thể trước nhất chịu trách nhiệm bồi thường khi người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét