Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

Bình luận về tầm quan trọng của nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN

Khi mới thành lập, việc ASEAN lựa chọn nguyên tắc đồng thuận để giải quyết các vấn đề chung, duy trì sự đoàn kết và làm cho các quốc gia thành viên cảm thấy thoải mái hơn khi tham gia vào Hiệp hội là sự lựa chọn đúng đắn.



Xét về khía cạnh lịch sử, các quốc gia Đông Nam Á hầu như trước kia đều là thuộc địa của những cường quốc khác nhau. Chính những khiếm khuyết về mặt dân chủ nên các nước thường đề phòng hơn trước các can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của mình, do đó tuy gần về địa lý nhưng các nước vẫn chưa thật sự hiểu rõ về nhau. Mục tiêu quan trọng của ASEAN trong những năm gần đây là xây dựng lòng tin giữa các thành viên khi mà tình hình thế giới có nhiều biến động, vì thế biểu quyết theo đa số khi thông qua các kế hoạch chung là không khả thi và nguyên tắc đồng thuận đã được chọn lựa.

Mặt khác, trong ASEAN, với nguyên tắc dân chủ, ngang bằng và không can thiệp, các quốc gia thành viên có lá phiếu như nhau trong mọi vấn đề. người đại diện quốc gia phải nói tiếng nói của quốc gia mình, khi lợi ích của họ chưa đạt như kì vọng, ý tưởng về hợp tác chưa thông suốt thì việc có tiếng nói khác là điều không tránh được. Nguyên tắc đồng thuận giúp đảm bảo sự bình đẳng về mặt chủ quyền giữa các quốc gia thành viên và ngăn ngừa việc bất cứ quốc gia thành viên nào bị gạt ra lề trong các quyết định quan trọng của nhóm, đồng thời cho phép họ có thể tham gia vào các hoạt động khu vực mà không sợ phải hi sinh lợi ích chính trị trong nước của mình.



Khó khăn của ASEAN trong việc đạt được đồng thuận dường như ngày càng gia tăng sau khi Hiệp hội này mở rộng số thành viên từ 6 lên 10 quốc gia. Số lượng thành viên lớn hơn khiến cho Hiệp hội ngày càng gặp khó khăn trong việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên vốn có lợi ích quốc gia không đồng nhất. Cùng lúc đó, số thành viên gia tăng cũng tạo điều kiện cho sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài vào quy trình đưa ra quyết định của nhóm. Do nguyên tắc đồng thuận về cơ bản cho phép bất cứ thành viên nào cũng có quyền phủ quyết các quyết định của cả nhóm, một cường quốc bên ngoài có thể dễ dàng lợi dụng ảnh hưởng của mình đối với một thành viên ASEAN bất kỳ để ngăn chặn các quyết định mà cường quốc đó coi là gây bất lợi cho lợi ích quốc gia của mình.


Có thể thấy, mọi vấn đề của ASEAN đều phải tham vấn tất cả các nước thành viên ASEAN và quyết định chỉ được thông qua khi tất cả các nước thành viên đều nhất trí hoặc không phản đối. Đây được coi là quy tắc bất thành văn được các nước ASEAN tôn trọng và tuân theo. Tuy nhiên, nguyên tắc này dần xuất hiện những hạn chế cần được bổ sung sửa đổi để việc áp dụng trở nên linh hoạt hơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét