“Trách nhiệm” là một thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ nghĩa vụ phải thực hiện
một công việc khi bị ràng buộc hoặc tự nguyện ràng buộc vào quan hệ pháp lý, nếu
không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì sẽ phải
gánh chịu những hậu quả bất lợi. Từ đó, có thể khái quát, miễn
trách nhiệm là việc loại bỏ hậu quả pháp lý bất lợi khi không
thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ được giao.
Như vậy, miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng
thương mại là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp
đồng thương mại không phải chịu các hình thức chế
tài. Tức, về bản chất, các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng là những
trường hợp loại trừ yếu tố lỗi của bên vi phạm. Việc miễn trách nhiệm vi
phạm hợp đồng thương mại được xem
xét trên cơ sở các bên vi phạm không có lỗi khi thực hiện, thực hiện không đúng
hợp đồng trong điều kiện nảy sinh những tình huống ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, để được áp dụng
các căn cứ miễn trách nhiệm thì bên có hành vi vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ
phải chứng minh mình không có lỗi. Nếu không chứng minh được, bên vi phạm coi
như có lỗi và phải chịu các chế tài do pháp luật quy định (Khoản 2 Điều 294 Luật
thương mại 2005). Ngoài ra, khi xảy ra tình trạng miễn
trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng phải
thông báo ngay (bằng văn bản) cho bên kia về trường hợp được miễn trách nhiệm
và hậu quả có thể xảy ra. Nếu bên vi phạm
không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường
thiệt hại.
Điều 294 khoản 1 Luật
Thương mại năm 2005 quy định tất cả 4 trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành
vi vi phạm hợp đồng thương mại. Trong đó trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên
đã thỏa thuận là trường hợp thể hiện rõ sự tự do, bình đẳng trong thỏa thuận của
các bên.
Pháp luật thương mại đề cao tính tự do trong thương mại. Do vậy,
các bên được quyền tự thỏa thuận
các trường hợp được miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng thương mại. Thỏa thuận
giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi hành vi vi
phạm xảy ra và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Nếu thỏa thuận được hình thành sau khi có vi phạm xảy ra thì nó có ý
nghĩa là bên bị vi phạm không áp dụng biện pháp chế tài đó với bên vi phạm chứ
không phải là điều kiện để miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm do có thỏa
thuận, bản chất của hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Khi hợp
đồng được giao kết bằng văn bản, thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi
nhận trong nội dung hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Nhưng kể cả khi
hợp đồng đã ký kết các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi
cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách
nhiệm. Nhưng, việc
viện dẫn làm cơ sở giải quyết tranh chấp đối với các thỏa thuận miễn trách bằng
lời nói hoặc hành vi cụ thể rất khó khăn và thiếu tính khả thi.
Tuy nhiên, quy định này chỉ dừng ở mức
chung chung, không đưa ra điều kiện để công nhận thỏa thuận miễn trách nhiệm hợp
đồng giữa các bên. Quy định cũng
chỉ mới công nhận trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng đã được các bên thỏa thuận
trước mà chưa cụ thể điều kiện để được công nhận.
Vì vậy, thực tiễn trong giao kết hợp đồng thương mại cho thấy ít khi các
bên chấp nhận việc thỏa thuận trực tiếp và rõ ràng về các trường hợp
miễn trách nhiệm, vì có thể bên vi phạm sẽ dựa vào điều
này để không tuân thủ hợp đồng. Do đó, các bên có thể thỏa thuận gián tiếp
miễn trách nhiệm ở một chừng mực nhất định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét