Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Tầm quan trọng của việc bảo vệ người lao động trong quan hệ pháp luật lao động

Bảo vệ người lao động được thực hiện trong quan hệ lao động với mục tiêu chống lại nguy cơ người sử dụng lao động bị bóc lột, bị đối xử bất công hay phải làm việc trong những điều kiện không đảm bảo an toàn hoặc bị đối xử thiếu tôn trọng trong quá trình làm việc hoặc trong quá trình lao động. Cụ thể: 


Thứ nhất, bảo vệ người lao động nhằm mục đích giảm thiểu vị thế bất bình đẳng của người lao động trong quan hệ lao động, thực hiện sứ mệnh của Luật Lao động.


Trong mối quan hệ lao động, xét về địa vị, người lao động bị phụ thuộc vào người sử dụng lao động cả về mặt kinh tế và mặt pháp lý. Về kinh tế, người sử dụng lao động là người bỏ vốn, đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động kinh doanh, quyết định về công nghệ, quy mô hoạt động… nên chủ động về kế hoạch việc làm, phân phối lợi nhuận. Cũng vì thế mà về mặt pháp lý, người sử dụng lao động có quyền tuyển chọn lao động, bố trí, điều hành lao động theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trong quan hệ lao động, người lao động chỉ có sức lao động đã thỏa thuận cung ứng cho người sử dụng lao động. Họ không có quyền quản lý công việc cũng như không đương nhiên tham gia vào quá trình phân phối lợi nhuận…Do đó, người lao động thường không kiểm soát được các lý do tăng giảm lương, chấm dứt hợp đồng, điều chuyển lao động…

Mặt khác, trên thực tế, sự bất bình đẳng còn do tương quan cung cầu trên thị trường đem lại. Sự chênh lệch của tương quan cung cầu trên thị trường làm cho vị thế người lao động càng thêm bất bình đẳng.

Như vậy, bảo vệ người lao động không nhằm tạo ra sự khác biệt, đối xử bất bình đẳng đối với người sử dụng lao động vì mục tiêu chính trị hay giai cấp mà là nhằm bình ổn quan hệ lao động, giảm thiểu vị thế bất bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Thứ hai, bảo vệ người lao động để tránh tác hại tiêu cực của nền kinh tế thị trường.


Khi nhận xét về nền kinh tế thị trường, người ta thường nói đến tính hai mặt của nó. Đó là những tác dụng không thể phủ nhận đối với sự phát triển kinh tế và những tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế và xã hội (tính tự phát, mất cân đối, chạy theo lợi nhuận, hủy hoại môi trường, cạnh tranh không lành mạnh, thất nghiệp và tệ nạn xã hội…). Trong quan hệ lao động, mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường càng thể hiện rõ nét hơn.



Phát triển kinh tế thị trường, toàn bộ các quan hệ kinh tế xã hội bị chi phối nhiều bởi yếu tố lợi nhuận. Người sử dụng lao động chạy theo lợi nhuận, tìm mọi cách tối đa hóa lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp vì lợi ích kinh tế, người sử dụng lao động đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người lao động. Vì vậy, Nhà nước ta phải can thiệp bảo vệ người lao động nhằm hạn chế và giảm thiểu những vấn đề tiêu cực của nền kinh tế thị trường tác động đến người lao động. Việc bảo vệ người lao động giúp giảm thiểu thất nghiệp, đặc biệt giúp ngăn ngừa người sử dụng lao động lợi dụng tình thế dư thừa lao động mà ép buộc, cắt giảm quyền lợi, đối xử bất công với người lao động.

Thứ ba, bảo vệ người lao động để đảm bảo sự định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực lao
động ở Việt Nam.


Người lao động là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Lao động có năng suất, chất lượng hiệu quả là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước. Người lao động là một trong những nguồn lực để phát triển của mỗi quốc gia. Điều này đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận trong nhiều văn kiện. Vì vậy, bảo vệ người lao động để đảm bảo sự định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.


Tóm lại, nguyên tắc bảo vệ người lao động là nguyên tắc đóng vai trò quan trọng, xuyên suốt trong tất cả các quan hệ pháp luật lao động, trong việc phát huy nhân tố con người mà trước hết là người lao động. Nguyên tắc bảo vệ người lao động ngày càng được thực hiện tốt hơn, người lao động được đảm bảo cuộc sống bình thường, và bình đẳng hơn khi tham gia quan hệ lao động.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét