Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Tác động của chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô

Dự trữ bắt buộc


Trong hoạt động tín dụng và thanh toán, các Ngân hàng Thương mại có khả năng biến những khoản tiền gửi ban đầu thành những khoản tiền gửi mới cho cả hệ thống, khả năng sinh ra bộ số tín dụng, tức là khả năng tạo tiền. Để khống chế khả năng này, Ngân hàng Trung ương buộc các Ngân hàng Thương mại phải trích một phần tiền huy động được theo một tỷ lệ quy định gửi vào Ngân hàng Trung ương không được hưởng lãi. Do đó cơ chế hoạt động của công cụ dự trữ bắt buộc nhằm khống chế khả năng tạo tiền, hạn chế mức tăng bội số tín dụng của các Ngân hàng Thương mại.



Khi lạm phát cao, Ngân hàng Trung ương nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, khả năng cho vay và khả năng thanh toán của các ngân hàng bị thu hẹp (do số nhân tiền tệ giảm), khối lượng tín dụng trong nền kinh tế giảm (cung tiền giảm) dẫn tới lãi suất tăng, đầu tư giảm do đó tổng cầu giảm và làm cho giá giảm (tỷ lệ lạm phát giảm). Ngược lại, nếu Ngân hàng Trung ương hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc tức là tăng khả năng tạo tiền, thì cung về tín dụng của các Ngân hàng Thương mại cũng tăng lên, khối lượng tín dụng và khối lượng thanh toán có xu hướng tăng, đồng thời tăng xu hướng mở rộng khối lượng tiền. Lý luận tương tự như trên thì việc tăng cung tiền sẽ dẫn tới tăng giá (tỷ lệ lạm phát tăng). Như vậy công cụ dự trữ bắt buộc mang tính hành chính áp đặt trực tiếp, đầy quyền lực và cực kì quan trọng để cắt cơn sốt lạm phát, khôi phục hoạt động kinh tế trong trường hợp nền kinh tế phát triển chưa ổn định và khi các công cụ thị trường mở tái chiết khấu chưa đủ mạnh để có thể đảm trách điều hòa mức cung tiền cho nền kinh tế. Nhưng công cụ dự trữ bắt buộc quá nhạy cảm, vì chỉ thay đổi nhỏ trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc đã làm cho khối lượng tiền tăng lên rất lớn khó kiểm soát.

Tái chiết khấu



Là phương thức để Ngân hàng Trung ương đưa tiền vào lưu thông, thực hiện vai trò người cho vay cuối cùng. Thông qua việc tái chiết khấu, Ngân hàng Trung ương đã tạo cơ sở đầu tiên thúc đẩy hệ thống Ngân hàng Thương mại thực hiện việc tạo tiền, đồng thời khai thông thanh toán. Tái chiết khấu là đầu mối tăng tiền trung ương, tăng khối lượng tiền tệ vào lưu thông. Do đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều khiển khối lượng tiền và điều hành chính sách tiền tệ. Tùy theo tình hình từng giai đoạn, tùy thuộc yêu cầu của việc thực hiện chính sách tiền tệ trong giai đoạn ấy, cần thực hiện chính sách nới lỏng hay thắt chặt tín dụng mà Ngân hàng Trung ương quy định lãi suất thấp hay cao. Lãi suất tái chiết khấu đặt ra từng thời kỳ, phải có tác dụng hướng dẫn, chỉ đạo lãi suất tín dụng trong nền kinh tế của giai đoạn đó. Khi Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất tái chiết khấu buộc các Ngân hàng Thương mại cũng phải nâng lãi suất tín dụng của mình lên để không bị lỗ vốn. Do lãi suất tín dụng tăng lên, giảm cầu về tín dụng và kéo theo giảm cầu về tiền tệ (nhu cầu về giữ tiền của nhân dân giảm đi).

Hoạt động thị trường mở


Nếu như công cụ lãi suất chiết khấu là công cụ thụ động của Ngân hàng Trung ương, tức là Ngân hàng Trung ương phải nhờ Ngân hàng Thương mại đang cần vốn đưa thương phiếu, kỳ phiếu.. đến để xin “tái cấp vốn” thì nghiệp vụ thị trường mở là công cụ chủ động của ngân hàng trung ương để điều khiển khối lượng tiền, qua đó kiểm soát lạm phát. Qua nghiệp vụ thị trường mở, Ngân hàng Trung ương chủ động phát hành tiền trung ương vào lưu thông hoặc rút bớt tiền khỏi lưu thông bằng cách mua bán các loại trái phiếu ngân hàng quốc gia nhằm tác động trước hết đến khối lượng tiền dự trữ trong quỹ dự trữ của Ngân hàng Thương mại và các tổ chức tài chính, hạn chế tiềm năng tín dụng và thanh toán của các ngân hàng này, qua đó điều khiển khối lượng tiền trong thị trường tiền tệ chúng ta. Khi nghiên cứu phần trước đã biết rằng khối lượng tiền tệ ảnh hưởng trực tiếp tới tỷ lệ lạm phát, việc thay đổi cung tiền tệ sẽ làm thay đổi tỷ lệ lạm phát.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét