Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến
hành tố tụng gây ra là một hình thức cụ thể của trách nhiệm pháp lý dân sự
ngoài hợp đồng, trong đó các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường cho các
chủ thể bị thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan mình gây ra khi thực hiện
hành vi trái pháp luật, có lỗi trong việc điều tra, truy tố, thi hành án. Sau
đó, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền tiến
hành tố tụng đã gây ra thiệt hại phải hoàn trả số tiền mà mình đã bồi thường
theo mức độ lỗi của người này và theo quy định của pháp luật.
Căn cứ để giải quyết bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ
quan tiến hành tố tụng gây ra bao gồm:
Thứ nhất, hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Hành vi trái pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng rất đa dạng và
phức tạp, nhưng chủ yếu thực hiện ở một số dạng như vi phạm các quy định về
trình tự, thủ tục tố tụng, áp dụng sai pháp luật dẫn đến việc bắt, giam, truy tố,
xét xử hoặc đưa ra quyết định sai, sử dụng vũ khí, dụng cụ chuyên dùng trái
pháp luật, có hành vi mang tính chất bạo lực gây thiệt hại cho công dân.
Thứ hai, thiệt hại thực tế xảy ra. Có thể phân chia thành các loại thiệt
hại như thiệt hại về tài sản; thiệt hại do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe;
thiệt hại do danh dự, uy tín bị xâm hại…Việc phân loại giúp Tòa án căn cứ vào
loại thiệt hại để áp dụng các chế độ khác nhau khắc phục những thiệt hại xảy ra
hoặc áp dụng những biện pháp cần thiết khác để bảo đảm quyền lợi cho đương sự.
Thứ ba, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của người có thẩm
quyền tiến hành tố tụng với thiệt hại xảy ra. Về nguyên tắc, chỉ có thiệt hại
là tổn thất phát sinh trong quá trình thực thi chức năng tố tụng, xâm phạm quyền
tư pháp của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới đặt ra trách nhiệm bồi
thường thiệt hại của cơ quan tiến hành tố tụng.
Thứ tư, lỗi của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đối với người gây
thiệt hại và người bị thiệt hại, lỗi là căn cứ để xác định trách nhiệm toàn bộ
hay từng phần của người gây thiệt hại. Đối với cơ quan tiến hành tố tụng, lỗi
là căn cứ để xác định trách nhiệm độc lập, theo phần hay liên đới của từng cơ
quan, đồng thời để xác định trách nhiệm cá nhân hay trách nhiệm tập thể.
Việc xác định rõ căn cứ bồi thường thiệt hại là
cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền yêu cầu người có trách nhiệm tiến hành
việc bồi thường cho những người bị thiệt hại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét