Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

Hoạt động quyết toán ngân sách nhà nước và ý nghĩa pháp lý

Quyết toán ngân sách nhà nước là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm tổng kết, đánh giá việc chấp hành ngân sách nhà nước.



Đây là giai đoạn kết thúc của 1 chu trình ngân sách, thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định. Kết quả của hoạt động quyết toán có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng ngân sách nhà nước những năm tiếp theo. Thông qua quá trình quyết toán, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể đánh giá được việc tuân thủ dự toán ngân sách của cơ quan chấp hành ngân sách, những vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện ngân sách cũng như những hạn chế cần khắc phục trong những năm ngân sách tiếp theo.

Hoạt động quyết toán ngân sách nhà nước có ý nghĩa pháp lý quan trọng

Thứ nhất, quyết toán ngân sách nhà nước phải giải quyết được vấn đề về số liệu ngân sách. Điều đó có nghĩa là phản ánh được đầy đủ số liệu thu, chi ngân sách. Các khoản thu phải được hạch toán và phản ánh đầy đủ khi báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mức độ đầy đủ của quyết toán ngân sách nhà nước tùy thuộc vào quy định của pháp luật của từng quốc gia.

Thứ hai, quyết toán ngân sách nhà nước phải thể hiện được tính tuân thủ trong việc thu, chi ngân sách. Chính phủ giải trình về quyết toán không chỉ là các vấn đề về số liệu mà còn phải giải trình được việc quản lý thu, chi ngân sách trong niên độ có tuân thủ các quy định của pháp luật cũng như đạt được các yêu cầu mà Quốc hội đề ra khi quyết định ngân sách.



Như chúng ta đã biết, ngân sách hàng năm phải được lập dự toán và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi thực hiện. Khi thực hiện ngân sách phải tuân theo các quy định của pháp luật về thu, chi ngân sách cũng như thực thi các quy định của pháp luật về quản lý tài chính ngân sách, tuân thủ luật ngân sách thường niên (Việt Nam gọi là dự toán ngân sách nhà nước năm).

Thứ ba, quyết toán ngân sách nhà nước phải báo cáo được tính hiệu lực, hiệu quả của các khoản thu, chi ngân sách. Đây là vấn đề quan trọng bởi nguồn lực của mỗi quốc gia là có hạn do vậy cơ quan quản lý, điều hành nguồn lực quốc gia phải báo cáo và giải trình với Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân chúng - những người nộp thuế - rằng các nguồn thu đã được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả và đảm bảo tiết kiệm.

Thứ tư, quyết toán ngân sách nhà nước được xác định trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm (12 tháng). Đây là cơ sở để xuất hiện khái niệm năm ngân sách (một số quốc gia còn gọi là năm tài khóa hay năm tài chính).


Thứ năm, quyết toán ngân sách nhà nước phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn. Về khía cạnh pháp lý, để trách nhiệm quản lý được giải tỏa, quyết toán ngân sách nhà nước phải được cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cơ quan đại diện cho quyền lợi của dân chúng xem xét phê chuẩn. Chỉ khi quyết toán được phê chuẩn thì trách nhiệm của cơ quan quản lý mới được giải tỏa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét