Một điểm mới, thể hiện sự tiến bộ trong Luật Hôn nhân và gia đình năm
2014 chính là việc quy định trường hợp ngoại lệ cho phép cha, mẹ, người thân
thích khác có quyền yêu cầu ly hôn. Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
có quy định “Cha, mẹ, người thân thích
khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh
tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình, đồng
thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng
nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ” Vậy, người thân
thích khác bao gồm những ai? Ngay tại Điều 3 Khoản 19 đã giải thích “Người thân thích là người có quan hệ hôn
nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm
vi ba đời”. Như vậy, người thân thích gồm: vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ
nuôi, con đẻ, con nuôi, anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc
anh chị em cùng mẹ khác cha; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con
dì; ông bà nội, ông bà ngoại, cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, bác, cậu ruột
và cháu ruột.
Khi quy định về quyền yêu cầu ly hôn, khoản 2 Điều 51 Luật Hôn
nhân và gia đình năm 2014 đã tách cha mẹ ra khỏi những người thân thích khác
nên có thể hiểu quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp này được ưu tiên cho cha,
mẹ của bên vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức,
làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng,
vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần
của họ.
Cha mẹ, người thân thích khác của vợ chồng chỉ có quyền yêu cầu ly hôn
trong trường hợp đặc biệt là khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc
bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Quy định này
giúp giải quyết được yêu cầu thực tế về việc bảo vệ quyền, lợi ích của một bên
vợ, chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ
hành vi của mình…
Cần khẳng định rằng, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định
cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn là một trường
hợp ngoại lệ. Bản chất của quyền yêu cầu ly hôn là việc vợ, chồng trên cơ sở nhận
thức về thực trạng quan hệ hôn nhân của mình, tự nguyện thể hiện ý chí muốn chấm
dứt quan hệ vợ chồng. Việc trao quyền yêu cầu ly hôn cho cha, mẹ, người thân
thích khác khi một bên vợ, chồng không thể nhận thức hoặc làm chủ hành vi đã bỏ
qua ý chí tự nguyện của cả vợ và chồng khi giải quyết ly hôn. Ý muốn chấm dứt
hôn nhân trong trường hợp này là ý muốn của cha mẹ, người thân thích khác của một
bên vợ, chồng. Tuy nhiên, sự thể hiện ý muốn đó là cần thiết để bảo vệ một bên
vợ, chồng bị bệnh tâm thần hay bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành
vi của mình khỏi bạo lực do gia đình chồng, vợ của mình gây ra khi bên vợ, chồng
đó không muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân.
Theo quy định của pháp luật, khi chồng hoặc vợ bị tâm thần, không có khả
năng điều khiển hành vi, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì họ
không có khả năng thể hiện ý chí tự nguyện trong việc ly hôn, do đó, người chồng
hoặc người vợ còn lại không yêu cầu ly hôn nhưng lại có hành vi ngược đãi, hành
hạ họ, phá tán tài sản chung thì quyền và lợi ích hợp pháp cả họ rất khó được đảm
bảo. Trong trường hợp này, người vợ hoặc người chồng còn lại là người giám hộ đầu
tiên cho chồng hoặc vợ mình, đồng thời là người đại diện theo pháp luật. Mọi
giao dịch liên quan đến tài sản chung của vợ, chồng sẽ do người đại diện thực
hiện. Việc giám sát việc giám hộ cũng như giám sát mọi hành vi của người đại diện
trong các mối quan hệ liên quan đến tài sản và thân nhân người vợ hoặc người chồng
bị mất năng lực hành vi dân sự rất khó thực hiện. Trong rất nhiều trường hợp,
cha mẹ đẻ của người vợ hoặc người chồng bị mất năng lực hành vi dân sự rất muốn
con mình được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân đó. Và chính điểm mới trong quy định
của luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã giúp cho cha mẹ, người thân thích khác của
người bị mất năng lực hành vi, là nạn nhân của bạo lực gia đình có quyền yêu cầu
ly hôn cho con của họ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét