Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

Điều hành thị trường ngoại hối thông qua chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ luôn được quy định hàng năm để nhanh chóng, kịp thời điều chỉnh thị trường tiền tệ, trong đó có thị trường ngoại hối để các thị trường này luôn vận động và phát triển không ngừng theo thị trường thế giới. Ngân hàng nhà nước tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ như sau:



Thực hiện việc rà soát, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật,  tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động Điều hành chính sách tiền tệ, cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả. Tiếp tục rà soát và đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với nội dung của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Bộ luật dân sự năm 2015...

Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kết hợp với các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra và hỗ trợ phát triển kinh tế theo các lĩnh vực ưu tiên:

+  Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở phù hợp với diễn biến thị trường, tình hình vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng để định hướng lãi suất thị trường phù hợp với Mục tiêu chính sách tiền tệ, hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ và ngoại tệ.

+ Thực hiện cho vay tái cấp vốn với khối lượng, lãi suất và thời hạn hợp lý đối với các tổ chức tín dụng để hỗ trợ thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, cho vay theo các chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ giải quyết nợ xấu.

+ Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác hỗ trợ ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ.

+ Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.

+ Điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và phù hợp với Mục tiêu chính sách tiền tệ.


Thực hiện chính sách cho vay bằng ngoại tệ đảm bảo phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế đô-la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ.

Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hoạt động tín dụng.

Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế, ổn định thị trường ngoại tệ. Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại tệ, hạn chế đô-la hóa trong nền kinh tế, thu hút các dòng vốn nước ngoài và nguồn ngoại tệ trong nước để cải thiện dự trữ ngoại hối Nhà nước phù hợp với Điều kiện thực tế.

Tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đảm bảo việc quản lý thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ thị trường vàng theo hướng ngày càng thu hẹp thị trường vàng miếng, tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; tạo Điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng.


Thực hiện tốt vai trò đại diện cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam và đẩy mạnh sự tham gia, tăng cường vị thế, tiếng nói của Việt Nam tại các tổ chức tài chính, tiền tệ, ngân hàng khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin đa phương và song phương, chú trọng khai thác quan hệ với các đối tác mới và nâng cao tính chủ động trong hợp tác nhằm thu hút nguồn lực tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam. Triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ tiền tệ quốc tế và các đối tác phát triển khác.

Điều kiện hưởng chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật hiện hành

Điều kiện hưởng chế độ tuất hàng tháng



Theo quy định tại Điều 67 Luật Bảo hiểm xã hội, chế độ tuất hàng tháng được áp dụng cho những người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần; người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và người lao động đang làm việc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chết. Những người này phải có thân nhân do họ trực tiếp nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp sau:

Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai

Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng các đối tượng này (trừ trường hợp là con) chỉ được hưởng trợ cấp nếu họ không có thu nhập hoặc có thu nhập hàng tháng nhưng thấp hơn mức lương tối thiểu chung.


Điều kiện hưởng tuất 1 lần


Được quy định tại Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, theo đó chế độ tuất 1 lần được áp dụng cho những thân nhân người lao động không đủ điều kiện để hưởng tuất hàng tháng và trường hợp thân nhân thuộc diện hưởng tuất hàng tháng  nhưng có nguyện vọng hưởng tuất 1 lần (trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên)


Chế độ này nhằm trợ giúp cho thân nhân của người lao động giải quyết những khó khăn ban đầu, giúp họ thích nghi với hoàn cảnh mới khi người lao động chết.

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật hiện hành

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động


Theo quy định tại Điều 43 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để được hưởng chế độ tai nạn lao động thì phải đảm bảo đồng thời 2 điều kiện :

Thứ nhất, Người lao động bị tai nạn lao động

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kì bộ phận nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động, cụ thể thuộc các trường hợp sau mới được coi là tai nạn lao động:

+ Bị tai nạn tại nơi làm việc, trong giờ làm việc.

Trường hợp này muốn nhấn mạnh tới địa điểm xảy ra tai nạn phải là nơi làm việc và trong giờ làm việc được xác định là thời gian người lao động trực tiếp thực hiện nghĩa vụ lao động và thời gian được tính vào thời gian làm việc.

+ Bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động

Ở trường hợp này thì địa điểm, thời gian xảy ra tai nạn lao động không còn là điều kiện tiền đề nữa mà ở đây đó là khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động mà bị tai nạn thì khi đó được xác định người lao động bị tai nạn lao động

+ Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lí.

Trường hợp này để xác định là tai nạn lao động thì phải căn cứ vào tuyến đường bị tai nạn (là tuyến đường từ nơi ở đến nơi làm việc của người lao động) và thời gian bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc và 2 căn cứ này phải “hợp lí” . Trong một số trường hợp để có thể xác định tính “hợp lí” ở đây rất khó khăn gây ảnh hưởng tới việc hưởng chế độ của người lao động.

Thứ hai, suy giảm từ 5% khả năng lao động trở lên

Người lao động khi bị tai nạn thuộc 1 trong 3 trường hợp trên phải bị suy giảm từ 5% khả năng lao động trở lên mới được hưởng chế độ trợ cấp tai nạn lao động vì nếu bị tai nạn lao động mà mức suy giảm khả năng lao động dưới 5% là không đáng kể. Như vậy, chỉ khi đáp ứng đồng thời 2 điều kiện trên thì người lao động mới được hưởng chế độ tai nạn lao động.



Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp


Theo quy định tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện để người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp gồm 2 điều kiện, cụ thể:

Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại

Hiện nay theo quy định về danh mục bệnh nghề nghiệp được ban hành bởi Thông tư số 36/2014/TT- BYT ngày 14/11/2014 của Bộ y tế thì có 30 loại bệnh nghề nghiệp và chỉ khi người lao động mắc bệnh thuộc danh mục này thì mới được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.


Người lao động mắc bệnh nghề nghiệp theo danh mục trên phải đồng thời bị suy giảm từ 5% khả năng lao động trở lên mới được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Vai trò của thuế thu nhập cá nhân hiện nay

Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu, do cá nhân là người có thu nhập chịu thuế nộp hoặc tổ chức chi trả thu nhập nộp thay theo quy định của pháp luật.


Thuế thu nhập cá nhân mang đầy đủ các đặc điểm của thuế như tính bắt buộc; không mang tính đối giá, không hoàn trả trực tiếp…, mặt khác vẫn có những đặc điểm đặc trưng riêng biệt. Thuế thu nhập cá nhân có vai trò quan trọng đối với Nhà nước ta hiện nay.

Góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước


Sự giảm dần các loại thuế xuất nhập khẩu do yêu cầu tự do hóa thương mại nên thuế thu nhập cá nhân ngày càng trở thành nguồn thu quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, thu nhập bình quân đầu người của cá nhân ngày càng tăng từ đó thuế thu nhập cá nhân sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng thu cho ngân sách Nhà nước.


Góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội


Thông thường, thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh vào thu nhập cao hơn mức khởi điểm thu nhập chịu thuế, không đánh thuế vào những cá nhân có thu nhập vừa đủ nuôi sống bản thân và gia đình ở mức cần thiết. Thêm vào đó khi thu nhập cá nhân tăng lên thì tỷ lệ thu thuế cũng tăng thêm. Hơn nữa, cách tính thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần là đảm bảo công bằng một cách chính xác. Ở nhiều nước còn có quy định miễn, giảm thuế cho những cá nhân mang gánh nặng xã hội. Ở nước ta hiện nay, thu nhập của các tầng lớp nhân dân có sự chênh lệch nhau, do đó việc điều tiết thuế thu nhập đối với những người có thu nhập cao là cần thiết, đảm bảo thực hiện chính sách công bằng xã hội.

Là công cụ để nhà nước kiểm soát được thu nhập cá nhân


Thu nhập của mỗi cá nhân, tổ chức là chỉ tiêu quan trọng để quyết định vấn đề tích lũy, đầu tư, tiết kiệm, chính sách xã hội của Nhà nước. Thông qua việc kiểm soát thu nhập cá nhân, Nhà nước có thể tiến hành, hoạch định các mục tiêu và chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời ngăn ngừa, xử lý kịp thời những hành vi tiêu cực trong xã hội như tham nhũng, kinh doanh bất hợp pháp, rửa tiền,…


Thuế thu nhập cá nhân là một trong những loại thuế của trọng của Nhà nước. Nó không những góp phần đảm bảo cho nguồn thu ngân sách Nhà nước mà còn điều tiết thu nhập của cá nhân, đảm bảo chính sách công bằng trong xã hội, làm giảm khoảng cách giữa những người thu nhập cao và những người có thu nhập thấp.

Tình hình trong nước - yếu tố chi phối pháp luật thuế hiện nay

Thứ nhất, do tình hình kinh tế chính trị trong nước



Do đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Thuế và nhà nước là hai phạm trù luôn đi cùng với nhau, chi phối và phụ thuộc nhau.Vì vậy, thuế vừa được hiểu là công cụ kinh tế hỗ trợ cho sự tồn tại của Nhà nước và bộ máy nhà nước; mặt khác, thuế lại được nhà nước sử dụng như loại công cụ để thực hiện những nhiệm vụ, mục tiêu nhất định.Việc thực thi pháp luật thuế chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, nhà nước cần phải xây dựng và ban hành pháp luật thuế phù hợp với tình hình kinh tế trong nước.

Thứ hai, do sự phát triển của nền kinh tế. 

Hiện nay nền kinh tế nước ta có nhiều chuyển biến tích cực so với những năm trước đây bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ lạm phát được giữ ở mức ổn định, đời sống của người dân được cải thiện. Do đó, thuế có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nền kinh tế. Thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả và thu nhập nên căn cứ vào từng tình huống kinh tế,Nhà nước có thể sử dụng thuế làm công cụ điều chỉnh nền kinh tế. Các quy định về đối tượng, phạm vi đánh thuế, thuế suất, điều kiện miễn, giảm thuế…Tóm lại, thông qua thuế Nhà nước tác động tích cực đến việc thúc đẩy sản xuất phát triển trên cơ sở tận dụng và sử dụng hợp lý mọi nguồn lực của đất nước trong việc điều chỉnh quan hệ cung cầu và cơ cấu kinh tế.


Thứ ba, do sự chi phối bởi nhu cầu ngân sách của nhà nước. 


Dựa vào chức năng phân phối và phân phối lại: là chức năng cơ bản, đặc thù của thuế. Ngay từ lúc ra đời thuế là phương tiện dùng để động viên nguồn tài chính vào ngân sách Nhà nước (có ở tất cả các kiểu Nhà nước). Về mặt lịch sử, chức năng huy động nguồn tài chính là chức năng đầu tiên, phản ánh nguyên nhân nảy sinh ra thuế. Thông qua chức năng này, các quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước được hình thành để đảm bảo cơ sở vật chất cho sự hoạt động thường xuyên và tồn tại của Nhà nước. Bằng chính chức năng này, Nhà nước tiến hành tham gia phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân trong xã hội. Chức năng phân phối và phân phối lại thu nhập của thuế là sự huy động một bộ phận thu nhập quốc dân dưới hình thức tiền tệ vào ngân sách Nhà nước. Phần lớn thuế đánh trên hàng hóa và thu nhập. Người có thu nhập cao và sử dụng nhiều hàng hóa, dịch vụ là người nộp thuế nhiều hơn. Số tiền này sau đó lại được Nhà nước chi nhằm thực hiện chính sách kinh tế ­ xã hội, tạo ra tính công bằng tương đối cho xã hội, có vai trò đặc biệt đối với ngân sách nhà nước nên hệ thống pháp luật thuế cần phải đạt hiệu quả để đảm bảo nhu cầu của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế xã hội trong 10 năm tới được dự báo có nhiều thay đổi và tác động không nhỏ đến hệ thống pháp luật thuế. Đó là, Việt Nam vừa thoát khỏi danh sách các nước nghèo đồng nghĩa với việc giảm đáng kể các nguồn lực tài trợ từ bên ngoài, kể cả viện trợ cho phát triển nguồn nhân lực.Thực thi đầy đủ cam kết quốc tế song phương và đa phương, mở cửa hoàn toàn thị trường nội địa chắc chắn làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách nhà nước từ hàng hóa nhập khẩu, vừa tạo cơ hội nhưng cũng vừa tăng sức ép đối với việc cơ cấu lại các thu ngân sách nhà nước.

Như vậy, để đảm bảo nhu cầu của ngân sách nhà nước trong bối cảnh mới thì hệ thống pháp luật thuế cũng phải có sự thay đổi phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển của đất nước.

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

Yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước ảnh hưởng đến việc thi hành pháp luật thuế tại Việt Nam

Dưới góc độ kinh tế học, thuế được biết đến là một hình thức phân phối thu nhập tài chính của nhà nước để thực hiện chức năng của mình.., thuế được nhìn nhận như một biện pháp phân phối thu nhập tài chính. Chính vì thuế là một hình thức phân phối thu nhập của nhà nước, nó có vai trò điều tiết, thực hiện công bằng xã hội, vì vậy, một trong những nhân tố ảnh hưởng đến việc thi hành pháp luật thuế là tình hình kinh tế.



Thuế là một phần thu nhập của nền kinh tế đất nước được nộp vào trong ngân sách nhà nước. Thuế luôn gắn chặt với các hoạt động kinh tế của cá nhân, tổ chức. Nguồn thu từ thuế chỉ có thể ổn định, tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế được phát triển và hiệu quả. Những yếu tố kinh tế như mức độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, giá cả, quan hệ cung - cầu trên thị trường cũng sẽ thường ảnh hưởng đến việc thi hành pháp luật thuế.

Xã hội được hiểu là một tập hợp những người có cùng nhóm lợi ích, các mối quan hệ đặc trưng, thể chế và văn hóa. Xã hội hình thành từ con người có liên kết với nhau. Những chủ thể nộp thuế trong xã hội là những cá nhân, cơ quan quản lý thuế cũng được vận hành bởi những cá nhân. Con người sống trong xã hội luôn chịu sự ảnh hưởng của những yếu tố xã hội như phong tục tập quán, trình độ văn hóa, thành phần dân tộc,... Vì vậy, việc thi hành pháp luật thuế cũng chịu sự chi phối của tình hình xã hội.


Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thi hành pháp luật thuế là tình hình chính trị. Yếu tố chính trị thể hiện thông qua việc Nhà nước là chủ thể đặt ra quy định, chính sách để quản lý thuế. Nguồn gốc thuế phát sinh cũng do nhu cầu chi tiêu của Nhà nước để có thể thực hiện được mục tiêu đã đặt ra, đồng thời phục vụ yêu cầu của xã hội, sự phát triển của nền kinh tế và những chế độ phúc lợi xã hội khác. Những lợi ích của việc nộp thuế chủ thể sẽ không được hưởng ngay lập tức và trực tiếp mà sẽ được thụ hưởng gián tiếp thông qua hoạt động của nhà nước. Nếu tình hình chính trị bất ổn sẽ kéo theo tình hình kinh tế, xã hội bất ổn theo. Những yếu tố này không chỉ có tác động riêng lẻ mà chúng còn có quan hệ mật thiết với nhau tác động lên tổng thể những vấn đề của một quốc gia.

Không chỉ chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế, chính trị trong nước mà việc thi hành luật thuế Việt Nam còn chịu sự ảnh hưởng của  tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của quốc tế, các quốc gia lớn trên thế giới. Vì vậy, suy cho cùng, bất cứ việc thực thi pháp luật thuế ở nước nào không chỉ riêng Việt Nam cũng đều phải chịu sự chi phối của yếu tố tình hình kinh tế, chính trị, xã hội cả trong và ngoài nước. Thực thi pháp luật thuế trên cơ sở đảm bảo phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, đồng thời phù hợp với điều kiện văn hóa cụ thể của quốc gia sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi để thực thi pháp luật thuế tại Việt Nam.

Tình hình ô nhiễm và suy thoái tài nguyên nước ở Việt Nam hiện nay

Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, hiện tượng ô nhiễm môi trường nước đã làm cho hiện tượng cá chết bất thường hàng loạt. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại.



Ô nhiễm nguồn nước xuất phát từ việc các ao, hồ, sông tiếp nhận nhiều

loại nguồn thải, môi trường nước mặt đang ở tình trạng ô nhiễm tại nhiều nơi. Tuy nhiên, nguồn thải chính tác động đến môi trường nước mặt ở nước ta là nước thải nông nghiệp, công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Mức độ gia tăng các nguồn nước thải hiện nay ngày càng lớn với quy mô rộng ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiều ngành công nghiệp được mở rộng quy mô sản xuất cũng như phạm vi phân bố. Cùng với đó là sự gia tăng lượng nước thải lớn, trong khi đó, mức đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu.

Nước thải sinh hoạt chiếm trên 30% tổng lượng thải trực tiếp ra các sông hồ hay kênh rạch dẫn ra sông. Theo số liệu tính toán của cơ quan môi trường cho thấy Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Hồng là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước. Vùng Đông Nam Bộ với toàn bộ các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, là vùng có lượng phát sinh nước thải công nghiệp lớn nhất cả nước. Số lượng khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải vẫn đang ở mức trung bình (50-60%), hơn nữa, 50% trong số đó vẫn chưa hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh những nguồn thải nêu trên, nước thải nông nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Đó là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đến nguồn nước tại những địa phương có nền kinh tế nông nghiệp phát triển mạnh như vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nước thải từ hoạt động nông nghiệp có chứa hóa chất bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu là thành phần độc hại cho môi trường và sức khỏe con người. Đặc biệt, các khu vực này, đời sống dân cư vẫn gắn với nguồn nước sông, dùng làm nước sinh hoạt hay sử dụng để nuôi trồng thủy sản.


Đáng chú ý, trên cả nước hiện có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp nhưng trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu. Trên 5.000 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng; hơn 4.500 làng nghề. Hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125.000 m3 nước thải y tế.

Nhìn chung chất lượng nước ở thượng lưu các con sông còn khá tốt, nhưng vùng hạ lưu phần lớn đã bị ô nhiễm, có nơi ở mức nghiêm trọng. Môi trường nước mặt ở nhiều nơi bị ô nhiễm trầm trọng. Chất lượng nước ngày càng bị suy giảm mạnh.

Điển hình là các con sông như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Sét, sông Lừ của Hà Nội vốn là cảnh quan thiên nhiên rất đẹp của Hà Nội, nay biến thành kênh thoát nước thải chưa được xử lí, các chất ô nhiễm hữu cơ vượt quy chuẩn cho phép đối với nước loại B nhiều lần, mặt nước biến thành màu đen, các khí NH3,, CH4, H2S bốc mùi hôi rất khó chịu.

Ngoài ra, hiện nay nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các khu công nghiệp và đô thị có nguy cơ cạn kiệt vào mùa khô và ở một số nơi đã có dấu hiệu bị ô nhiễm. Ở nước ta, nước sử dụng sinh hoạt là 70% nước mặt và 30% nước ngầm. Tuy nhiên trong những năm gần đây do khai thác quá mức nên mạch nước ngầm tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị ô nhiễm các chất hữu cơ và gây sụt lún.

Vì vậy, vai trò bảo vệ nguồn tài nguyên nước của nhà nước là vô cùng quan trọng và cần được quan tâm.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản hiện nay

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng được các điều kiện đó là:



Về các đối tượng hưởng chế độ thai sản


Theo đó, có 6 nhóm đối tượng được hưởng chế độ thai sản, bao gồm:

+ Lao động nữ mang thai
+ Lao động nữ sinh con
+ Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
+ Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi
+ Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản
+ Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Đối tượng hưởng chế độ thai sản chủ yếu là lao động nữ trong quá trình thai nghén, sinh đẻ, nuôi con nuôi, áp dụng các biện pháp tránh thai… Hai nhóm đối tượng được bổ sung so với Luật bảo hiểm xã hội 2006 đó là: Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ và Lao động nam đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con. Việc bổ sung 2 nhóm đối tượng này là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình qua đó thể hiện sự bình đẳng giữa các đối tượng khi tham gia và thuộc diện hưởng chế độ thai sản, đảm bảo cho sức khỏe người lao động và con sơ sinh của họ.



Về điều kiện hưởng chế độ thai sản

Đối với lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Quy định này giúp hạn chế những lạm dụng trong trường hợp người lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian ngắn để sinh con và vẫn được hưởng chế độ thai sản trong thời gian 6 tháng và đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng tham gia chế độ bảo hiểm xã hội với nhau.

Đối với lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền thì điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm được rút ngắn hơn, theo đó họ chỉ phải đóng 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Đối với trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 34,36,38 và khoản 1 Điều 39 của Luật bảo hiểm xã hội.


Có thể thấy đối với các đối tượng quy định tại điểm a, đ, e khoản 1 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì không bị giới hạn về các điều kiện bổ sung trên về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, cứ có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thì các đối tượng này sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản.

Những điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay

Bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện với 2 chế độ: Chế độ hưu trí và Chế độ tử tuất


Điều kiện hưởng chế độ hưu trí


Theo quy định tại Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về điều kiện hưởng lương hưu bao gồm:

+ Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi
+ Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
+ Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện về chế độ lương hưu không phụ thuộc vào điều kiện lao động, tính chất công việc hoặc thể hiện sự ưu đãi với một số đối tượng như bảo hiểm xã hội bắt buộc, bởi đa phần các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hầu hết “đứng ngoài” quan hệ lao động hoặc có tham gia quan hệ lao động nhưng việc xác lập quan hệ lao động ấy thể hiện bằng hợp đồng lao động ngắn hạn hay không xác lập quan hệ hợp đồng; hoặc không hưởng tiền lương… bởi vậy mà tuổi đời hưởng chế độ hưu trí là đồng nhất.

Điều kiện hưởng chế độ tử tuất



Về điều kiện hưởng trợ cấp mai táng:

Điều 80 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có liệt kê các điều kiện để người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng thì thân nhân/ người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng khi người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chết theo 3 trường hợp:

+ Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên
+ Người đang hưởng lương hưu.
+ Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên; người đang hưởng lương hưu bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp theo quy định.

Về điều kiện hưởng trợ cấp tuất:

Theo quy định tại Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì các trường hợp thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần khi người lao động chết đó là:

Người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội, người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người đang hưởng lương hưu.


Như vậy, khác với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc khi người lao chết thì thân nhân của họ chỉ được hưởng trợ cấp tuất 1 lần khi đáp ứng đủ các điều kiện luật định.

Cơ cấu, sự quản lý và trình độ quản lý của bộ máy quản lý thuế hiện nay

Thuế là hiện tượng tất yếu, xuất hiện và tồn tại cùng với các hiện tượng kinh tế - xã hội khác. Sự xuất hiện, phát triển của thuế gắn với mỗi giai đoạn, lợi ích mà nhà nước sử dụng để làm công cụ điều tiết nguồn thu của nền kinh tế xã hội ấy.


Về cơ cấu


Hiện nay hệ thống quản lý thuế của nước ta được tổ chức như sau:

Ở Trung ương có Tổng cục thuế thuộc Bộ tài chính, Bộ máy giúp việc cơ quan Tổng cụ gồm các phòng chức năng và các phòng nghiệp vụ.

Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có các Cục thuế. Các cục thuế chịu sự chỉ đạo song trùng của Tổng cục thuế và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Ở cấp quận, huyện và cấp tương đương có Chi cục thuế thuộc Cục thuế. Chi cục thuế chịu sự chỉ đạo song trùng của Cục thuế và Ủy ban nhân dân cùng cấp.

Như vậy, cơ cấu trên là hợp lí và tương đối chặt chẽ. Cơ cấu đó có tác động lớn tới việc thực thi pháp luật thuế. Cụ thể, việc thống nhất hệ thống tổ chức bộ máy quản lý về thuế không những cho phép Nhà nước quản lý thống nhất chế độ thuế trong cả nước, mà còn tạo cơ sở về mặt tổ chức bảo đảm thực hiện thành công đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thuế.



Sự quản lý, trình độ quản lý của bộ máy quản lý thuế nhập khẩu


Trong những năm vừa qua, Nhà nước ta đã chăm lo nhiều đến công tác đào tạo bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ, phẩm chất đạo đức, tác phong cho đội ngũ cán bộ quản lí thuế, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ cho công tác quản lí thuế, đổi mới cơ cấu tổ chức ngành thuế cho phù hợp, đổi mới cải cách thủ tục hành chính,… Nói chung, Nhà nước thực hiện các giải pháp nâng cao trình độ, năng lực quản lí của cả bộ máy quản lí thuế để tiến đến việc ban hành các quy định mới trong pháp luật thuế như: quản lí thuế thực hiện theo cơ chế tự khai, tự nộp; quản lí thuế trên cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, thực hiện quản lí thuế hiện đại theo chuẩn mực chung. Nhờ đó mà năng lực quản lý của cán bộ thuế ngày càng được bồi dưỡng và đạt được hiệu quả cao trong công tác. Việc thực thi pháp luật thuế trở nên đúng mực, dễ thực hiện hơn.


Tuy vậy cũng không thể không kể tới một số không nhỏ cán bộ công chức còn chưa có năng lực thực sự, thêm vào đó là bộ máy quản lý thuế nhập khẩu còn cồng kềnh, chưa thật sự chặt chẽ dẫn đến những kẻ hở để những nhà nhập khẩu có thể lách luật nên công tác tự khai- tự nộp thuế nhập khẩu ở nước ta vẫn chưa thể thực hiện được.

Hình thức gian lận thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản hiện nay

Hành vi tự kê khai tài sản là duy nhất


Cụ thể, Theo khoản 2 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân và được chi tiết tại điểm b Khoản 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thì trường hợp được miễn thuế là thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp người chuyển nhượng chỉ có duy nhất một nhà ở, quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam và nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế do cá nhân chuyển nhượng bất động sản tự khai và chịu trách nhiệm. Nếu phát hiện không đúng sẽ bị xử lý truy thu thuế và phạt về hành vi vi phạm pháp luật thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Như vậy, đây chính là kẽ hở của quy định khi cá nhân có nhiều tài sản nhà đất nhưng vẫn kê khai chỉ có duy nhất một nhà ở, tài sản, quyền sử dụng đất ở Việt Nam để được miễn thuế. Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý có kiểm soát được hết việc kê khai bất động sản của cá nhân hay không vì theo quy định là do cá nhân tự khai và chịu trách nhiệm.


Hạ giá chuyển nhượng ghi trong hợp đồng


Theo khoản 2 Điều 18 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2012 quy định thì giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp không xác định được giá thực tế chuyển nhượng hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng sẽ được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, giá chuyển nhượng bao giờ cũng cao hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Vì thế, để giảm việc nộp thuế thu nhập cá nhân thì người bán với người mua sẽ thỏa thuận ghi giá trên hợp đồng thấp hơn so với thực tế nhưng không được thấp hơn giá mà Ủy ban nhân dân tỉnh quy định. Như vậy, người mua sẽ chịu lệ phí trước bạ thấp hơn và người bán chịu thuế thu nhập cá nhân thấp hơn. Với hành vi như vậy thì cả người bán và người mua đều có lợi, còn ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thu do không thể kiểm soát được giá bán thực tế mà cá nhân thỏa thuận. 

Tương tự với hành vi trên là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất hay chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng nhà ở; chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước đều có thể gian lận bằng hành vi hạ thấp giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng so với giá thực tế.

Hành vi chuyển nhượng bất động sản bắc cầu giữa người thân trong gia đình


Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC trường hợp miễn thuế gồm có thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.



Ví dụ, trong trường hợp hai chị em dâu chuyển nhượng bất động sản cho nhau là đối tượng phải nộp thuế. Nhưng để lách luật, người chị dâu làm thủ tục chuyển nhượng cho bố chồng, sau đó bố chồng lại chuyển nhượng tiếp cho người em dâu. Cả hai lần chuyển nhượng này đều thuộc đối tượng được miễn thuế. Vì vậy, việc chuyển nhượng bắc cầu cho bố chồng thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật


Tại khoản 1 và khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2012 quy định thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ là thu nhập miễn thuế, do vậy, con gái khi được tặng nhà không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Do con gái chưa đủ tuổi thành niên cha mẹ đại diện con gái ký hợp đồng chuyển nhượng căn nhà cho một người khác. Và khi cô con gái khai có một tài sản duy nhất vì vậy sẽ thuộc đối tượng miễn thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, hành vi này được coi là không phải đóng thuế theo quy định của pháp luật.


Có thể thấy các hành vi gian lận đã phân tích ở trên trên đều rất đơn giản nhưng công tác kiểm tra, quản lý rất khó để phát hiện, vì vậy gây thất thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Những nét đặc trưng của thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân là một bộ phận trong hệ thống thuế nên mang đầy đủ những đặc điểm của thuế nói chung như: tính bắt buộc; thuế không mang tính đối giá, không hoàn trả trực tiếp;…Tuy nhiên, ngoài những đặc điểm chung đó, thuế thu nhập cá nhân còn có một số đặc trưng sau đây:


Thứ nhất, Thuế thu nhập cá nhân là một loại thuế trực thu. Tính chất trực thu thể hiện ở chỗ người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế; việc nộp thuế được tiến hành từ việc khấu trừ trực tiếp từ thu nhập của cá nhân đó mà không thông qua hành vi tiêu dùng hoặc chủ thể trung gian khác. Khác với loại thuế gián thu vì thuế gián thu là thuế mà người gánh chịu thuế là khách hàng nhưng người nộp thuế lại là người bán hàng, nhà nhập khẩu, những cơ sở sản xuất kinh doanh,… Do việc đánh thuế trực tiếp lên thu nhập của cá nhân nên dễ gây phản ứng của người dân cho loại thuế này vì phải trích một phân thu nhập đóng vào ngân sách nhà nước.

Thứ hai, Thuế thu nhập cá nhân có đối tượng chịu thuế là thu nhập của cá nhân. Pháp luật Thuế thu nhập cá nhân nói tiêng và thuế thu nhập nói chung ở các quốc gia đều quy định các khoản thu nhập chịu thuế làm cơ sở cho việc đánh thuế. Thông thường, thu nhập chịu thuế phải là thu nhập hợp pháp, đã thực tế phát sinh, có tính phổ biến và Nhà nước kiểm soát được. Có như vậy, pháp luật thuế thu nhập mới đảm bảo tính khả thi, công bằng và đảm bảo nguồn thu ổn định cho Ngân sách nhà nước. Thu nhập chịu thuế của cá nhân bao gồm thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác chịu thuế như: thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ trúng thưởng,…

Thứ ba, cá nhân là chủ thể nộp thuế. Bao gồm cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, tổ chức có thể nộp thay cá nhân theo quy định của pháp luật  nhưng đó chỉ là sự ủy quên nộp thay cho cá nhân, vì vậy tổ chức không phải là chủ thể nộp thuế.



Thứ tư, Thuế thu nhập cá nhân là một lọai thuế có tính ổn định không cao và phức tạp. Tính không ổn định thể hiện ở chỗ nó phụ thuộc vào hiệu quả của nền kinh tế và đặc biệt là thu nhập của cá nhân. Việc quản lý thuế, thu thuế đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao, chi phí quản lý thuế lớn. Cơ quan quản lý thuế phải nắm được các nguồn thu nhập của người chịu thuế, tình trạng cư trú của họ ở Việt Nam,…

Thứ năm, Thuế thu nhập cá nhân luôn gắn với chính sách xã hội của mỗi quóc gia. Thuế thu nhập cá nhân tác động trực tiếp tới việc phân phối lại thu nhập. Do vậy, nó được coi là công cụ hữu ích để thực hiện điều tiết thu nhập, đảm bảo mục tiêu công bằng giữa các cá nhân.


Để đảm bảo công bằng giữa các cá nhân, Thuế thu nhập cá nhân áp dụng biểu lũy tiến từng phần đối với thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, tiền lương, tiền công. Đặc điểm này xuất phát từ vai trò điều tiết mạnh thu nhập của những người có thu nhập cao, đảm bảo công bằng đối với những người thu nhập thấp hoặc trung bình. Người có thu nhập cao phải chịu mức thuế cao hơn. Đây là loại thế mang tính chất công bằng hơn so với loại thuế khác vì nó đánh vào khả năng kinh tế của người nộp thuế.

Đặc trưng của thuế tiêu thụ đặc biệt

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào 1 số loại hàng hóa dịch vụ đặc biệt, cần điều tiết mạnh nhằm hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng, đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đặc trưng của thuế tiêu thụ đặc biệt thể hiện ở các điểm sau:


Thứ nhất, thuế tiêu thụ đặc biệt có diện đánh thuế hẹp.

Khác với các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, thuế bán hàng… có diện đánh thuế rộng, bao quát hầu hết các mặt hàng và dịch vụ được tiêu thụ trong nền kinh tế thì thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung điều tiết một số mặt hàng và dịch vụ nhất định, không được nhà nước khuyến khích tiêu dùng.

Vì vậy, tại Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định đối tượng chịu thuế gồm thuốc lá, rượu, bia, xăng các loại, hay các dịch vụ kinh doanh vũ trường, massage…. Có thể thấy, đây đều là những mặt hàng được coi là cao cấp, không thiết yếu và nhà nước không khuyến khích tiêu dùng. Điều này phù hợp với chủ trương, chính sách của nhà nước trong việc hướng dẫn, sản xuất tiêu dùng ở giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ và thường cao hơn so với thuế suất của các loại thuế gián thu khác.

Đối với thuế gián thu khác như thuế giá trị gia tăng, doanh thu thuế và thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, luật pháp các nước thường quy định hệ thống thuế suất tỉ lệ làm căn cứ tính thuế. Thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt có thể là thuế suất cố định hoặc thuế suất tỉ lệ, tùy theo quan điểm của các nhà làm luật ở mỗi nước.


Tại Việt Nam áp dụng biểu thuế suất tỉ lệ, theo đó mức thu quy định bằng một tỉ lệ phần trăm tính trên giá tính thuế hàng hóa, dịch vụ. Ví dụ: Thuế suất áp dụng đối với rượu dao động từ 30-65%, xăng các loại từ 7-10%…

Việc áp dụng thuế suất tỉ lệ giúp nhà nước dễ dàng điều chỉnh mức thu khi có sự thay đổi chính sách hướng dẫn phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xã hội hoặc khi cần thay đổi tỉ lệ động viên vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, thuế tiêu thụ đặc biệt thường chỉ được thu 1 lần ở khâu sản xuất hoặc nhập khẩu.


Ví dụ: Bia là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khi luân chuyển qua khâu lưu thông sẽ không bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nữa. Điều này cho thấy, Thuế tiêu thụ đặc biệt khác với thuế giá trị gia tăng hay thuế doanh thu ở chỗ các loại thuế này đánh trên toàn bộ doanh thu bán hàng hoặc trên giá trị tăng thêm của hàng hóa ở mỗi khâu lưu thông.

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2018

Những vấn đề cơ bản của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Nguyên tắc xác định thiệt hại, mức bồi thường, mức hoàn trả khoản tiền bồi thường thiệt hại và miễn giảm hoàn trả bồi thường thiệt hại được thực hiện theo Bộ luật Dân sự.

Nguyên tắc thứ nhất, việc giải quyết bồi thường phải bao gồm toàn bộ thiệt hại, nhanh chóng, kịp thời, công khai.

Nguyên tắc thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi để người bị oan sai thực hiện quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích của mình.



Nguyên tắc thứ ba, thiệt hại được bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần theo các quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan. Người bị oan sai được phục hồi danh dự, khôi phục việc làm, được tạo điều kiện để sớm hòa nhập cộng đồng.

Nguyên tắc thứ tư, cơ quan nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo các quy định của pháp luật khi có yêu cầu của người bị oan sai hoặc người đại diện hợp pháp của người này theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc thứ năm, việc bồi thường được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên: Cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người có oan sai. Nếu không thỏa thuận được thì người bị oan sai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trình tự bồi thường cho người bị thiệt hại.


Về bản chất, đây là trình tự bồi thường của Nhà nước do xâm phạm các quyền tư pháp trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng gồm bồi thường thiệt hại do bị bắt, giam oan, sai; do bị phán quyết xâm phạm đến các quyền tư pháp; do bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn không có căn cứ pháp luật…Việc bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm theo quy định của pháp luật dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Có hai trình tự bồi thường cho người bị thiệt hại là trình tự hành chính và trình tự tư pháp.


Trình tự hoàn trả của người tiến hành tố tụng có lỗi cho cơ quan tiến hành tố tụng


Chế độ hoàn trả kinh phí là chế độ trách nhiệm của công chức công tác trong cơ quan Nhà nước đã có sai sót, phải chịu một phần hoặc toàn bộ khoản kinh phí mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Trình tự này thông qua hoạt động của Hội đồng xét bồi hoàn hoặc bằng con đường Tòa án.

Cách thức bồi thường.


Bồi thường thiệt hại về vật chất: Bồi thường thiệt hại do nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm; bồi thường thiệt hại về sức khỏe; bồi thường thiệt hại về tài sản…

Bồi thường thiệt hại về tinh thần: Có thể bằng một khoản tiền mang tính chất bù đắp và các biện pháp phù hợp nhằm khôi phục danh dự, uy tín do người bị oan, sai.

Bản chất trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có bản chất là loại trách nhiệm nhà nước bồi thường thiệt hại về dân sự do xâm phạm quyền tư pháp trong hoạt động tố tụng. Sự tồn tại của trách nhiệm nhà nước xuất phát từ mối quan hệ có tính biện chứng giữa việc thực thi quyền lực nhà nước với giới hạn của việc sử dụng quyền lực đó. Vì vậy, khi hoạt động tố tụng trái pháp luật làm phát sinh thiệt hại cho công dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm khắc phục tổn thất đó trên cơ sở các nguyên tắc của pháp luật dân sự là bình đẳng, thỏa thuận, tôn trọng quyền định đoạt của đương sự.


Đặc điểm trách nhiệm bồi thường do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra 

    
Trách nhiệm dân sự do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra trước hết là một dạng cụ thể của trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, nên nó có đầy đủ đặc điểm của loại trách nhiệm này. Đó là lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của pháp nhân hay chủ thể khác theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại này còn có những đặc điểm riêng sau:

Thứ nhất, đây là loại trách nhiệm dân sự mà một hoặc một số cá nhân có thẩm quyền khi tiến hành tố tụng gây ra thiệt hại bằng chính hành vi tiến hành tố tụng của mình, nhưng trước hết Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ và sau đó mới phát sinh trách nhiệm hoàn trả.

Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng là loại trách nhiệm trong đó hành vi gây thiệt hại có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp của nhiều chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng cũng như của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiến hành tố tụng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc cơ quan nào trong thực tế rất khó khăn, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết bồi thường cho người bị thiệt hại.

Căn cứ để thụ lý một vụ khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do người của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.


Căn cứ thứ nhất, các quyết định trái pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền hoặc hành vi tố tụng trái pháp luật của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Về phương diện pháp lý, đây là quyết định hoặc hành vi tố tụng xâm phạm quyền tư pháp dẫn đến oan, sai gây thiệt hại cho công dân.

Căn cứ thứ hai, thiệt hại thực tế, bao gồm thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về tài sản, thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, thiệt hại về tinh thần.

Căn cứ thứ ba, yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị oan, sai.


Vai trò của Nhà nước trong các hoạt động đối với người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng.


Cá nhân có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ tố tụng đã nhân danh quyền lực Nhà nước, việc nhân danh này dựa trên một cơ chế Nhà nước ủy quyền theo quy định của pháp luật. Việc nhân danh Nhà nước một cách gián tiếp hoặc trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ tố tụng một mặt tạo điều kiện về địa vị pháp lý để cá nhân tiến hành tố tụng hoàn thành nhiệm vụ, mặt khác xác định trách nhiệm qua lại giữa Nhà nước và các cá nhân tiến hành tố tụng. Do vậy, Nhà nước phải liên đới chịu trách nhiệm trước hết về những hành vi của người tiến hành tố tụng khi những hành vi này đã gây thiệt hại cho người dân.


Có thể thấy, vai trò của Nhà nước đối với các hoạt động của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thể hiện trên nhiều phương diện: Nhà nước trao quyền lực của mình cho các cơ quan và người có thẩm quyền của các cơ quan này. Đồng thời kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng đó và là chủ thể trước nhất chịu trách nhiệm bồi thường khi người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.