Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Ý nghĩa việc xác định thẩm quyền dân sự của Tòa án

Thẩm quyền dân sự của Tòa án là quyền xem xét giải quyết các vụ việc và quyền hạn ra các quyết định khi xem xét giải quyết các vụ việc đó theo thủ tục tố tụng dân sự của tòa án.


Việc quy định thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các việc dân sự có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về phía tòa án và đương sự.

Đối với Tòa án


Việc quy định rõ ràng thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các việc dân sự là cơ sở pháp lý để xác định đúng một vụ việc cụ thể thuộc thẩm quyền phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm. Tòa án sẽ phải căn cứ vào các quy định của pháp luật để xác định xem, đối với yêu cầu này thì mình có thẩm quyền giải quyết không. Từ đó, Tòa án có thể thụ lý, giải quyết đúng các việc dân sự phát sinh trong xã hội thuộc thẩm quyền của mình, tránh trường hợp áp dụng không thống nhất gây kéo dài thời gian giải quyết do phải chuyển đi chuyển lại giữa các tòa án. Từ việc xác định được đúng thẩm quyền của mình, cũng tránh được trường hợp có tranh chấp thẩm quyền giữa các Tòa án cùng cấp với nhau.




Bên cạnh đó, việc xác định thẩm quyền giữa các Tòa án một cách hợp lý, khoa học tránh được sự chồng chéo trong việc thực hiện nhiệm vụ giữa Tòa án với các cơ quan nhà nước, giữa các Tòa án với nhau. Từ đó, góp phần tạo điều kiện cần thiết cho tòa án giải quyết nhanh chóng và đúng đắn các việc dân sự, nâng cao được hiệu quả giải quyết việc dân sự.

Ngoài ra, việc xác định thẩm quyền của Tòa án có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết của đội ngũ cán bộ ở Tòa án. Trên cơ sở đó có kế hoạch đáp ứng bảo đảm cho Tòa án phải thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của mình.


Đối với đương sự


Việc phân định thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các việc dân sự là cơ sở để đương sự yêu cầu tòa án giải quyết các việc dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong cuộc sống, có nhiều việc dân sự mà tự bản thân đương sự không giải quyết được thì những quy định này sẽ là căn cứ để tổ chức, cá nhân biết được việc của mình có được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự hay không?

Ngoài ra, qua đó đương sự sẽ xác định được Tòa án mà mình có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án thuận lợi cho mình trong việc tham gia tố tụng. Từ đó, giúp đương sự nhanh chóng thực hiện quyền khởi kiện, yêu cầu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh được việc gửi đơn lên Tòa án không có thẩm quyền gây mất thời gian và chi phí.

Như vậy, các quy định về thẩm quyền của Tòa án là một bảo đảm cho việc thực hiện quyền tiếp cận công lý của công dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét