Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Thế chấp tài sản là
việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình
để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là
bên nhận thế chấp).”
Như vậy có thể thấy bản chất của thế chấp là việc một bên
“dùng tài sản thuộc sở hữu của mình” để “đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự” đối
với bên kia và không đặt ra yêu cầu “chuyển giao tài sản” hay chuyển giao quyền
sở hữu đối với tài sản. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ tuy nhiên các bên
có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp (khoản 2 Điều 317
Bộ luật Dân sự
2015), quy định này đáp ứng được khá tốt nguyện vọng và nhu cầu của chủ thể
trong quan hệ thế chấp, giúp chủ thể trong quan hệ thế chấp có nhiều cách lựa
chọn trong việc bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.
Chủ thể của thế chấp tài sản
Theo quy định tại điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì các
bên chủ thể trong quan hệ thế chấp tài sản bao gồm bên thế chấp và bên nhận thế
chấp. Với việc quy định này, có thể thấy mọi chủ thể trong quan hệ pháp luật
dân sự nói chung đều có thể trở thành chủ thể của quan hệ thế chấp, bao gồm: cá
nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và nhà nước.
Để có thể tham gia vào quan hệ dân sự nói chung và quan hệ
thế chấp nói riêng thì các chủ thể trên cần đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện
chung về năng lực chủ thể bao gồm: năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân
sự phù hợp theo quy định của pháp luật. Cụ thể là trong quan hệ thế chấp thì
bên thế chấp phải là chủ sở hữu của tài sản thế chấp, nhằm đảm bảo giá trị hiệu
lực của thế chấp cũng như loại bỏ những trường hợp bên thế chấp dùng tài sản
không thuộc sở hữu của mình hoặc sử dụng tài sản đang có sự tranh chấp về chủ
sở hữu để dùng làm tài sản thế chấp sẽ khiến cho sự “an toàn” về quyền và
lợi ích hợp pháp của bên nhận thế chấp bị hạn chế, dễ xảy ra rủi ro, tranh
chấp.
Hình thức của thế chấp tài sản
Hình thức của một số giao dịch là điều kiện bắt buộc để giao
dịch dân sự đó có hiệu lực pháp luật, ở quy định tại Bộ
luật Dân sự
2005 thì việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản theo quy định tại
Điều 343 Bộ luật Dân sự 2005: Văn bản thế chấp có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi
trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế
chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.
Việc quy định chặt chẽ về hình thức của thế chấp giúp đảm
bảo hiệu lực của văn bản thế chấp đồng thời còn có giá trị chứng minh tính
chính xác khi có tranh chấp cần giải quyết tại tòa án. Bên cạnh đó, việc đăng
kí thế chấp giúp công khai các thông tin về thế chấp để các chủ thể khác có thể
biết được tình trạng tài sản đang là đối tượng của thế chấp, giúp xác định một
cách cụ thể các quyền của bên nhận thế chấp so với các chủ thể khác như: quyền truy
đòi tài sản khi có sự chuyển giao quyền sở hữu cho người thứ 3 không được sự
đồng ý của bên nhận thế chấp; quyền ưu tiên thanh toán tài sản thế chấp;…..
Tuy nhiên tại quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 mới có hiệu lực thì
không có một điều luật nào quy định về Hình thức của thế chấp tài sản, điều đó
có nghĩa hình thức của thế chấp tài sản không phải là một điều kiện có hiệu lực
của giao dịch thế chấp, các bên có thể thỏa thuận thống nhất việc lựa chọn hình thức của giao dịch thế
chấp như: văn bản, lời nói, hành vi,… hoặc các hình thức khác đáp ứng đúng nhu
cầu của các bên. Việc quy định này cũng giúp các bên có nhiều sự lựa chọn hơn
trong các giao dịch thế chấp của mình về hình thức phù hợp, linh hoạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét