Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Đặc điểm và ý nghĩa của phiên tòa sơ thẩm

Sau khi hòa giải không thành hoặc đối với những vụ án dân sự pháp luật quy định không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được, Tòa án phải tiến hành phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự. Tất cả các vụ án dân sự nếu đã phải đưa ra xét xử thì đều phải trải qua việc xét xử tại phiên tòa sơ thẩm.



Hiện nay, khái niệm phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự vẫn chưa được thống nhất, tuy nhiên có thể định nghĩa khái quát vấn đề này như sau : Phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự là phiên họp công khai lần đầu của Tòa án với sự tham gia của những người tham gia tố tụng theo những nguyên tắc và thủ tục nhất định để Tòa án ra phán quyết về toàn bộ vụ án dân sự hoặc những tranh chấp của các bên đương sự.

Đặc điểm của phiên tòa sơ thẩm


Thứ nhất, phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự là phiên họp của Tòa án để xét xử lần đầu vụ án dân sự.

Thứ hai, phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được tiến hành công khai với sự có mặt của tất cả những người tham gia tố tụng.

Thứ ba, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự, trên cơ sở kết quả tranh tụng hoặc giải quyết công khai yêu cầu của các bên đương sự, Tòa án ra phán quyết về vụ án dân sự.


Ý nghĩa của phiên tòa sơ thẩm


Phiên tòa sơ thẩm là phiên xử lần đầu nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc giải quyết vụ án dân sự. Tại phiên tòa sơ thẩm tòa án sẽ quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án, xác định quyền và nghĩa vụ của các đương sự làm cơ sở cho việc thi hành án. Sau khi tòa án tiến hành phiên tòa sơ thẩm việc giải quyết vụ án dân sự kết thúc, trừ trường hợp có kháng cáo, kháng nghị.

Phiên tòa sơ thẩm cũng là nơi Tòa án thực hiện việc giáo dục pháp luật. Thông qua hoạt động xét xử của Tòa án, những người tham dự phiên tòa biết rõ hơn các quy định của pháp luật được Tòa án áp dụng giải quyết vụ án từ đó nâng cao được ý thức pháp luật của họ.


Hoạt động của Tòa án ở tại phiên tòa sơ thẩm là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan xét xử, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu hoạt động này được tiến hành tốt sẽ làm tăng thêm tác dụng của công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật. Ngược lại, nếu phiên tòa sơ thẩm tiến hành không tốt, có nhiều sai sót thì kết quả của công tác giáo dục sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng xấu, làm cho mọi người thiếu tin tưởng vào hoạt động xét xử của Tòa án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét