Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Chính sách tỷ giá hối đoái - ưu và nhược điểm

Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là giá của một đơn vị tiền tệ nước ngoài tính bằng đơn vị tiền tệ của Việt Nam.


Theo Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối, tại Điều 15 quy định về chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam như sau:

Thứ nhất, tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương án can thiệp trên thị trường ngoại tệ.

Thứ hai, chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ. Trong đó:   
 
Chính sách tỷ giá là tập hợp các biện pháp sử dụng tỷ giá như một công cụ để thực hiện các mục tiêu kinh tế đã đề ra, là cách thức mà chính phủ hoặc ngân hàng trung ương sử dụng để tác động vào nội tệ và can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi là chế độ tỷ giá hối đoái sẽ được vận dụng và xác định một cách tự do theo quy luật thị trường (quy luật cung - cầu trên thị trường ngoại tệ.). Đặc trưng cơ bản của chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi chính là:

+ Tỷ giá hối đoái hoàn toàn phụ thuộc vào sự biến động của cung và cầu ngoại tệ trên thị trường.
+ Ngân hàng trung ương không quản lý thị trường ngoại tệ mà chỉ tham gia vào thị trường ngoại hối như một chủ thể tham gia các giao dịch về ngoại hối thông thường.


Ưu điểm của chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi


Một là, dưới chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, cán cân thanh toán sẽ tự cân bằng. Trong trường hợp tài khoản vãng lai thâm hụt, đồng nội tệ giảm giá làm cho xuất khẩu tăng lên và nhập khẩu giảm xuống cho tới khi cán cân thanh toán trở về vị trí cân bằng. Còn trong trường hợp ngược lại, khi tài khoản vãng lai thặng dư, đồng nội địa sẽ lên giá làm cho nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm xuống cho tới khi cán cân thanh toán trở về trạng thái cân bằng.

Hai là, nền kinh tế có thể chống lại những cú sốc giá cả từ bên ngoài. Sự gia tăng của lạm phát nước ngoài sẽ khiến cho tỷ giá hối đoái thay đổi phù hợp với quy luật ngang giá sức mua.

Nhược điểm của chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi


Một là, việc thả nổi tỷ giá hối đoái khiến cho thị trường ngoại hối có thể phát sinh thêm rất nhiều rủi ro.

Hai là, việc dự báo sự thay đổi của tỷ giá hối đoái là khó xác định do thị trường vận động, biến thiên không ngừng nên dễ dẫn đến việc có lúc người dân ồ ạt thực hiện đầu cơ ngoại tệ làm cho tỷ giá hối đoái biến động mạnh, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách tiền tệ và kinh tế của quốc gia. Chính phủ chỉ can thiệp vào thị trường khi tỷ giá có những biến động mạnh.


Ở Việt Nam, chế độ tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét