Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Đánh giá về các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2014 về Quyền yêu cầu ly hôn

Về ưu điểm




Thứ nhất, những quy định của pháp luật về quyền yêu cầu ly hôn đã thể hiện sự tiến bộ trong tư duy của các nhà làm luật về sự tự do ý chí của vợ chồng khi tình trạng hôn nhân không thể duy trì, hôn nhân không đạt được mục đích mà nó hướng tới. Nam- nữ có quyền yêu thương nhau, có quyền tự do kết hôn theo các nguyên tắc luật định thì vợ chồng cũng có quyền tự do ý chí trong việc yêu cầu ly hôn khi họ thực sự bộc lộ ý chí của sự tự nguyện, pháp luật hoàn toàn không cấm họ thực hiện quyền này mặc dù ly hôn là mặt trái của hôn nhân mà gia đình, xã hội hoàn toàn không mong muốn điều đó xảy ra

Thứ hai, sự bình đẳng của vợ chồng được thể hiện rất rõ nét trong những quy định của pháp luật về quyền yêu cầu ly hôn khi mà cả hai bên vợ hoặc chồng hoặc cả vợ và chồng đều có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt người yêu cầu ly hôn là ai, điều này là hoàn toàn phù hợp với quyền công dân mà Hiến pháp đã ghi nhận.

Thứ ba, từ thực tế những trường hợp cụ thể mà pháp luật đã mở rộng thêm quyền yêu cầu ly hôn bao gồm cả cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn đối với vợ, chồng trong một số trường hợp nhất định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, chồng. Điều này hoàn toàn phù hợp với một số vấn đề vướng mắc về vấn đề giải quyết ly hôn khi mà thực tế có nhiều người vợ, chồng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phải chịu nạn bạo hành gia đình do chính một bên vợ, chồng gây ra mà không thể tự mình thực hiện quyền yêu cầu ly hôn.

Thứ tư, việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng đã có sự hoàn thiện theo hướng tiếp thu những quy định từ các Luật Hôn nhân & Gia đình trước đó một cách phù hợp, tiến bộ nhằm thực hiện nguyên tắc bảo vệ phụ nữ và trẻ em, bảo vệ phụ nữ có thai và thai nhi thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Bởi cần phải xác định rằng, trong quan hệ vợ chồng, việc sinh đẻ không phải đơn thuần là việc riêng của người vợ, đó là việc chung, là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng. Mặt khác, sinh đẻ là chức năng xã hội của gia đình. Vì vậy, phải thấy được trách nhiệm chung đó để giải quyết vấn đề ly hôn cho thỏa đáng, hợp lý, hợp tình nhằm bảo đảm quyền lợi của phụ nữ và của con cái, bảo vệ lợi ích của gia đình và xã hội.



Về hạn chế


Thứ nhất, việc quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của chồng bao gồm cả trường hợp “đang nuôi con” dưới 12 tháng tuổi mà không quy định rõ cũng như chưa có văn bản nào hướng dẫn việc đang nuôi con này là nuôi con đẻ hay con nuôi, vì vậy gây ra nhiều tranh cãi

Thứ hai, quy định mở rộng về những “thân thích khác” của vợ, chồng có quyền yêu cầu ly hôn mà không giải thích cụ thể có bao gồm cả cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, hay cha mẹ chồng, cha mẹ vợ… hay không, điều này cũng gây nhiều sự khó hiểu trong cách áp  dụng luật.

Thứ ba, việc chứng minh người vợ, chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ, chồng thì cần chứng minh ra sao khi mà tinh thần là một phạm trù mang tính hình tượng hóa?

Vì vậy, cần có những phương hướng cụ thể và khả thi để hoàn thiện được những vấn đề còn đang khúc mắc trong Luật Hôn nhân & Gia đình hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét