Có thể thấy, Công ước Luật biển năm 1982 đã xây dựng một khung pháp lý
tương đối công bằng cho các hoạt động trên biển, mang lại nhiều điểm lợi thế cho các quốc
gia đang phát triển, các quốc gia ven biển đặc biệt là đối với các quốc gia
trong khu vực Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Thứ nhất, về vấn đề môi trường biển
Công
ước luật biển cũng quy định về việc bảo
vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương. Với
quốc gia có đường bờ biển dài 3260km như Việt Nam, vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên
nhiên và môi trường biển là vấn đề luôn được Chính phủ hết sức coi trọng và đã được quy định
trong các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý biển của Việt Nam trong các
lĩnh vực khác nhau như: vận tải biển, dầu khí, nuôi trồng khai thác thủy hải sản
và kiểm soát và tuần tra biển. Việt Nam là quốc gia đã chủ động đưa ra nhiều sáng
kiến liên quan khai thác bền vững nguồn tài nguyên biển và đại dương, liên quan
đến bảo vệ môi trường biển, chống nước biển dâng .
Thực
tế, Việt Nam cũng đã xây dựng các văn bản luật quy định về
việc bảo vệ môi trường biển, nguồn tài nguyên sinh vật… và được truyền tải chủ yếu trong Luật Bảo vệ môi trường, Bộ
luật Hàng hải và Dự thảo Luật tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo… Trong Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược
biển Việt Nam đến năm 2020 đã nêu rõ, phải phấn đấu để nước ta trở
thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền,
quyền chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất
nước. Việt Nam đã tích cực tham gia thảo
luận và ủng hộ thông qua hai Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về đại
dương và về đánh cá trên biển phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; tham
gia tiến trình tham vấn không chính thức về các vấn đề đại dương và Luật biển
hàng năm.
Thứ hai, về vấn đề tìm kiếm cứu nạn
Nhận thức rõ tầm
quan trọng của công tác tìm kiếm và cứu nạn mà Công ước Luật Biển 1982 đặt ra
cho các quốc gia ven biển, Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn
theo quyết định số 780/TTg ngày 23 tháng 10 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy
ban có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm-cứu nạn người và
phương tiện (tàu bay, tàu thuyền, thiết bị dầu khí…) bị lâm nạn trên không,
trên biển và vùng trách nhiệm tiếp giáp giữa Việt Nam với các nước.
Bên cạnh đó, Việt
Nam cũng đã tham gia xây dựng nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và khu vực liên
quan đến biển như Công ước quốc tế về Tổ chức Vệ tinh Hàng hải (INMARSAT), Hệ
thống An toàn và Cứu nạn Hàng hải toàn cầu (GMDSS)..., đồng thời lập hệ thống
đài thông tin duyên hải đáp ứng thông tin liên lạc giữa các tàu và giữa các tàu
với bờ. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của Công ước về Tìm kiếm Cứu nạn và
đang chuẩn bị để đàm phán với các nước liên quan về phân định vùng tìm kiếm cứu
nạn trên vùng biển.
Thứ ba, về vấn đề tranh chấp biển, đảo với một số nước láng giềng
Điều
4 Luật Biển Việt Nam đã thể hiện rõ chủ trương: Nhà nước giải quyết các
tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa
bình, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật
và thực tiễn quốc tế
Thực tế, Việt Nam đang kiên trì thực
hiện chủ trương này và đến nay đã giải quyết được một số tranh chấp liên quan đến
biển với các nước láng giềng. Cụ thể là năm 1997, Việt Nam ký Hiệp định phân định
ranh giới trên biển với Thái Lan trong Vịnh Thái Lan; năm 2000 ký Hiệp định phân định ranh giới lãnh hải, vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ; và năm 2003
cùng Indonesia ký Hiệp định phân định thềm lục địa
ở Nam Biển Đông. Việt Nam cũng đang đàm
phán phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc, đàm phán phân định
vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia và đang chuẩn bị đàm phán về vấn đề trên
biển với các nước láng giềng khác.
Cùng với việc ban hành
Luật biển và các văn bản luật khác, với mục đích nhằm xây dựng quy chế pháp lý
cho việc bảo vệ vùng biển, đảo thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền, Việt Nam
cũng đang nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản
pháp quy liên quan đến kinh tế biển, các luồng, tuyến giao thông hàng hải thuộc
lãnh hải nước ta … nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả các quy định của Luật, bảo
vệ và phát triển kinh tế biển trên các vùng biển chủ quyền nhằm thực hiện toàn
diện các chiến lược về biển của nước ta trong thời gian về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét