Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Ưu và nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC

Hợp đồng hợp tác kinh doanh ( sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế


Ưu điểm của hợp đồng BCC


Về thời gian, sự chuẩn bị: nhanh gọn, dễ tiến hành, thích hợp với các dự án đầu tư cần triển khai nhanh, thời hạn đầu tư ngắn. Vì các nhà đầu tư không mất thời gian xây dựng cơ sở sản xuất mới. Do không phải thành lập doanh nghiệp mới để thực hiện dự án nên thủ tục đầu tư cũng đơn giản, không tốn nhiều thời gian, chi phí (về thủ tục thành lập doanh nghiệp mới, thời gian, chi phí để vận hành doanh nghiệp khi đi vào hoạt động hay không phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp khi dự án đầu tư kết thúc…), quy mô dự án cũng có thể rất linh hoạt.

Ví dụ, trong thực tế, có thể thấy dự án đầu tư các khu chung cư ở các thành phố thường được hợp tác theo hình thức đầu tư của hợp đồng BCC. Vì các bên đầu tư sẽ không phải thành lập một pháp nhân mới, đồng thời ngay sau khi khu chung cư được xây xong, các bên phân chia sản phẩm, thì không cần phải tiến hành các thủ tục giải thể, mà mỗi nhà đầu tư ngay lập tức có thể bán các căn hộ của mình để thu lợi nhuận.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lý độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ, các bên không bị ràng buộc bởi một tổ chức nào, vậy nên mang lại cho các nhà đầu tư sự linh hoạt, tính độc lập, ít phụ thuộc vào đối tác khi quyết định các vấn đề liên quan đến dự án đầu tư. Các nhà đầu tư cũng tránh được những mâu thuẫn, bất đồng trong quá trình quản lí điều hành dự án đầu tư do không trở thành đồng sở hữu chủ của một tổ chức kinh tế mới nào đó.

Khả năng huy động vốn và tận dụng nguồn lực: Chủ thể của hợp đồng BCC là các nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư trong nước và ngoài nước, nhà đầu tư có thể trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vậy nên, các nhà đầu tư có thể hỗ trợ lẫn nhau, bù đắp cho nhau những yếu điểm trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Độc lập, linh hoạt trong phân chia lợi nhuận: Vì không phải thành lập tổ chức kinh tế mới, không phụ thuộc vào điều lệ doanh nghiệp, nên các nhà đầu tư khi ký kết được lựa chọn phương án góp vốn, phân chia kết quả kinh doanh theo tỷ lệ vốn góp.


Hạn chế của hợp đồng BCC


Không có tư cách pháp nhân: Vì không thành lập một pháp nhân mới, nên dự án đầu tư sẽ gặp khó khăn khi thực hiện các hợp đồng phục vụ cho hợp đồng BCC. Bởi lẽ, không có một pháp nhân thì sẽ không có một con dấu riêng, buộc các nhà đầu tư phải lựa chọn sử dụng con dấu của một bên. Việc các nhà đầu tư cùng hợp tác nhưng sử dụng con dấu chỉ thuộc sở hữu một nhà đầu tư đưa đến rất nhiều bất cập. Ví dụ khó kiểm soát các hoạt động trên thực tế, nhất là liên quan đến chi phí, vì việc giao dịch được tiến hành dưới danh nghĩa (con dấu) của một bên. Trong trường hợp này, chi phí chỉ có thể được hạch toán vào bên được lựa chọn sử dụng danh nghĩa. Hoặc việc mượn pháp nhân có thể gây ra những rắc rối cho các bên đầu tư trong việc đối ngoại, quản lý, phân chia lợi nhuận…     

Lúc này, các bên góp vốn sẽ cảm thấy bị trói buộc khi phải phụ thuộc vào con dấu của người khác, ngược lại, bên được sử dụng con dấu thì mang nỗi lo chịu trách nhiệm của người trực tiếp đóng dấu.

Hơn nữa, việc không thành lập pháp nhân là ưu điểm trong việc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, nhưng sẽ hạn chế quyền quản lý của các bên theo tỷ lệ vốn góp, cụ thể là những nhà đầu tư nhiều cũng không thể có nhiều quyền quản lý hơn so với các nhà đầu tư khác.

Pháp luật chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên và bên thứ ba khi một bên giao kết hợp đồng với bên thứ ba trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên phải sử dụng các thiết chế của hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự để giải quyết.  Đây cũng là gánh nặng rủi ro cần được dự liệu trước trong khi thực hiện hợp đồng BCC.


Việc đầu tư theo hợp đồng BCC sẽ khó thu hút đầu tư đối với những lĩnh vực còn khó khăn và cần phát triển lâu dài, chỉ thực hiện được đối với một số lĩnh vực dễ sinh lợi và sinh lợi nhanh. Đầu tư theo hợp đồng BCC thường được áp dụng để thực hiện một dự án cụ thể, nên việc quản lý, kinh doanh đối với dự án lâu dài sẽ là không phù hợp khi lựa chọn hình thức đầu tư theo hợp đồng BCC.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét