Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành

Pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại tổ chức tín dụng là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành nhằm điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại tổ chức tín dụng.


Bộ Luật Dân sự 2015 Điều 303 có quy định về phương thức xử lý tài sản bảo đảm như sau:

1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy theo quy định của pháp luật, có ba phương pháp để xử lý tài sản bảo đảm cơ bản mà các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận đó là:

Thứ nhất, bán tài sản bảo đảm


Đây là phương pháp được áp dụng nhiều nhất trên thực tế trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Việc bán tài sản bảo đảm có thể được tiến hành trên một trong hai cơ sở là bán đấu giá hoặc bán riêng lẻ cho một hoặc một số người mua tài sản bảo đảm không trên cơ sở đấu giá. Phương pháp bán đấu giá chỉ áp dụng trong trường hợp bắt buộc theo quy định của pháp luật hoặc khi các bên không có thỏa thuận hay không thỏa thuận được về phương thức xử lý tài sản. Vì vậy các bên có thể thỏa thuận áp dụng việc bán riêng lẻ trong tất cả các trường hợp mà pháp luật không bắt buộc phải bán đấu giá.



Thứ hai, bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.

Phương pháp này có thể được hiểu là việc chuyển quyền sở hữu tài sản bảo đảm từ bên bảo đảm sang cho bên nhận bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm. Điểm khác biệt giữa hai phương pháp bán tài sản bảo đảm và nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm. Với trường hợp bán tài sản bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm có thể là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Ngược lại đối với trường hợp nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận chuyển nhượng tài sản chính là bên nhận bảo đảm.

Thứ ba, bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ đối với bên thứ ba.

Có thể hiểu về bản chất đây là việc chuyển nhượng quyền đòi nợ từ bên bảo đảm sang bên nhận bảo đảm và giá trị của quyền đòi nợ có thể bù trừ với giá trị của nghĩa vụ bảo đảm.


Ngoài ra, các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận bất kỳ một phương pháp xử lý tài sản bảo đảm khác. Đối với các doanh nghiệp là bên bảo đảm thì điều quan trọng hơn cả là tài sản bảo đảm cần được bán ở mức giá cao nhất hoặc hợp lý về mặt thương mại để bên bảo đảm có cơ hội nhận được tiền sau khi đã trả nợ cho bên nhận bảo đảm và thanh toán các khoản được ưu tiên khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét