Thứ Năm, 8 tháng 3, 2018

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Vòng đàm phán Uruguay (1986 - 1994) được đánh giá là thành công nhất trong các vòng đàm phán trong khuôn khổ GATT (General Agreement on Tariffs and Trade - Hiệp định chung về thuế quan và thương mại). Đặc biệt, kết quả vòng Uruguay về cơ chế giải quyết tranh chấp là một tiến bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang tính cách mạng, là công cụ đảm bảo sự tin cậy về mặt pháp lý đối với các cam kết của các chính phủ.



Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO (World Trade Organization - Tổ chức thương mại thế giới) là cách thức, phương pháp hoặc hoạt động của WTO để điều chỉnh các bất đồng, xung đột giữa các thành viên WTO liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo các hiệp định và thỏa thuận của WTO nhằm khắc phục và loại trừ các tranh chấp phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp


Là một bộ phận trong tổ chức và hoạt động của WTO nên hoạt động giải quyết tranh chấp theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO phải tuân theo các nguyên tắc chung như : nguyên tắc không phân biệt đối xử; nguyên tắc công khai, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; nguyên tắc bảo hộ thông qua thuế quan; nguyên tắc tiếp cận thị trường, bảo hộ phòng ngừa bất trắc. Ngoài ra còn có các nguyên tắc khác, như : nguyên tắc bình đẳng giữa các nước thành viên tranh chấp; nguyên tắc bí mật; nguyên tắc đồng thuận phủ quyết; nguyên tắc đối xử ưu đãi với các nước thành viên chậm phát triển, đang phát triển;…


Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO - DSB


Việc thành lập DSB (Dispute Settlement Body -  Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO) và thông qua DSU (Dispute Settlement Understanding - Hiệp định về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO) đã tạo nền tảng, cơ sở pháp lí cho việc giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, DSB sẽ giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các nước thành viên theo những nguyên tắc, trình tự quy định trong DSU, đưa ra quyết định cuối cùng về tranh chấp; xây dựng, ban hành các quy định để đảm bảo việc thực hiện và giám sát thi hành thỏa thuận DSU. Việc quy định hệ thống xét xử hai cấp Ban hội thẩm (Panel) và Cơ quan phúc thẩm (Appelate Body) đã giúp DSB thực thi các chức năng của mình trong quá trình giải quyết tranh chấp.


Khi nhắc đến những thành tựu của vòng đàm phán Uruguay, người ta hay nhắc tới sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp của GATT/WTO. Từ chỗ chỉ là một cơ chế mang tính lỏng lẻo, thiếu độ tin cậy, đã hình thành một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả và có tính hệ thống cũng như tính chuyên nghiệp cao. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được xem như một cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả nhất trong hệ thống pháp luật quốc tế, góp phần vào quá trình điều chỉnh pháp lý các hoạt động thương mại thế giới, tạo niềm tin cho các nước khi tham gia vào tự do hóa thương mại, ngăn ngừa những cuộc trả đũa thương mại đầy nguy hại, phòng ngừa tranh chấp, giúp làm cân bằng các quyền cũng như nghĩa vụ của các thành viên WTO, đảm bảo hệ thống thương mại đa phương hoạt động một cách an toàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét