Quyền bào chữa không chỉ là một quyền độc lập, tách rời với các quyền
khác của bị can, bị cáo mà có thể hiểu quyền bào chữa là tổng hòa các quyền của
họ. Quyền bào chữa được thực hiện ngay từ khi một người bị khởi tố về hình sự,
khi họ trở thành đối tượng buộc tội và được thực hiện quyền trong suốt quá
trình điều tra, truy tố, xét xử dưới nhiều hình thức khác nhau.
Việc quy định quyền bào chữa nhằm mục đích nhấn mạnh quyền được chống lại
việc buộc tội, quyền tự bảo vệ của bị can, bị cáo trước cơ quan tiến hành tố tụng.
Tuy nhiên, do hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng bào
chữa nên họ không thể thực hiện được việc tự bào chữa có hiệu quả. Họ cần có
người có khả năng để bào chữa, do đó, bên cạnh quyền tự bào chữa, pháp luật đã
quy định bị can, bị cáo có quyền nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân
bào chữa cho mình. Những người này sẽ tham gia tiến hành tố tụng để nhằm bác bỏ toàn bộ hoặc một
phần sự buộc tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo.
Đặc biệt, với trường hợp bị can là người chưa thành niên hoặc có nhược
điểm về thể chất, tâm thần thì người đại diện hợp pháp của họ có thể lựa chọn
người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho bị can ( khoản 1 Điều 305 Bộ luật tiến
hành tố tụng 2003). Nếu họ không lựa chọn người bào chữa thì cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn Luật sư phân công Văn phòng Luật sư cử
người bào chữa cho họ (khoản 2 Điều 305 Bộ luật tố tụng hình sự 2003). Bị can
và người đại diện của họ có quyền yêu cầu thay đổi hoặc từ chối người bào chữa
được Đoàn luật sư cử bào chữa cho bị can.
Cơ quan tiến hành tố tụng phải tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị
cáo. Việc tôn trọng quyền bào chữa của bị can, bị cáo không chỉ là đảm bảo quyền
và lợi ích hợp pháp của họ, thể hiện tinh thần nhân đạo và dân chủ trong tố tụng
hình sự mà còn là đảm bảo quan trọng để xác định sự thật của vụ án một cách
khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Quy định về quyền của
bị can, bị cáo trong Bộ luật tố tụng hình sự không thiên về quyền lợi của bị
can, bị cáo hay làm suy yếu đi cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của cơ quan
chức năng, mà chính những quy định này đòi hỏi người tiến hành tố tụng cần thận
trọng, vô tư, đề cao tinh thần trách nhiệm, làm rõ chứng cứ buộc tội cũng như
gỡ tội để sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, tránh làm oan người vô tội và
bỏ lọt tội phạm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét