Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Trình tự phiên tòa sơ thẩm theo quy định hiện hành

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định trình tự phiên tòa sơ thẩm gồm 3 mục là: Thủ tục bắt đầu phiên tòa; Tranh tụng tại phiên tòa; Nghị án và tuyên án. 


Thứ nhất, phần thủ tục bắt đầu phiên tòa sơ thẩm


Một số nội dung như: Nghe li trình bày của đương sự; Hỏi nguyên đơn; Hỏi bị đơn; Hỏi người làm chứng; Công bố tài liệu vụ án… không còn nằm trong phần thủ tục hỏi tại phiên tòa mà được Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chuyển sang thành nội dung trong phần tranh tụng tại phiên tòa. Đồng thời, trong thủ tục khai mạc phiên tòa sơ thẩm, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thêm hai nội dung chủ tọa phiên tòa phải thực hiện tại khoản 7 và khoản 8 Điều 239:

+ Yêu cầu người làm chứng cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.

+ Yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.

Trong tố tụng dân sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch là những người tham gia tố tụng khác, họ không có quyền và lợi ích liên quan trực tiếp trong vụ án. Tuy nhiên họ có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Tòa án và đương sự xác định sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, họ cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trước pháp luật, trước Tòa án khi tham gia tố tụng. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 bổ sung thêm quy định này là cần thiết, để họ thực sự thấy vai trò quan trọng và cần thiết của mình trong phiên tòa, từ đó suy nghĩ và thực hiện hành vi tố tụng một cách có trách nhiệm.



Thứ hai, phần tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm


Điều 247 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về nội dung và phương thức tranh tụng như sau: Tranh tụng tại phiên tòa bao gồm việc trình bày chứng cứ, hỏi, đối đáp, trả lời và phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án dân sự, quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án…

Trong phần tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung thêm thủ tục tạm ngng phiên tòa tại Điều 259. Với quy định này, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã phân biệt rõ ràng căn cứ tạm ngừng phiên tòa với căn cứ hoãn phiên tòa để đảm bảo sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử.

Ngoài ra Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã có sự thay đổi trong việc quy định những nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm. Việc thay đổi này chính là sự tổng hợp kế thừa của Điều 234 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 sửa đổi bổ sung năm 2011.

Thứ ba, phần nghị án và tuyên án của phiên tòa sơ thẩm.


Khi nghị án, các thành viên Hội đồng xét xử phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, các quy định của pháp luật, nếu vụ án thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này thì còn phải căn cứ vào tập quán, tương tự pháp luật, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng, để giải quyết tất cả các vấn đề của vụ án bằng cách biểu quyết theo đa số về từng vấn đề. Hội thẩm nhân dân biểu quyết trước, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa biểu quyết sau cùng. Người có ý kiến thiểu số có quyền trình bày ý kiến của mình bằng văn bản và được đưa vào hồ sơ vụ án.


Nghị án là việc Hội đồng xét xử xem xét, quyết định giải quyết vụ án. Trên cơ sở việc hỏi và tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ thảo luận quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án. Đây là một bước quan trọng trước khi tuyên án, vì vậy cần có những quy định cụ thể và rõ ràng trên tinh thần đổi mới hoạt động tư pháp, và đưa ra được những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục trong thời hạn pháp luật quy định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét