Biện pháp thế chấp có mối quan hệ mang tính chất phụ thuộc
vào nghĩa vụ mà nó bảo đảm. Về nguyên tắc, không thể xác lập thế chấp trước khi
phát sinh nghĩa vụ được bảo đảm và thế chấp sẽ không còn hiệu lực khi chấm dứt
nghĩa vụ được bảo đảm. Do đó, việc thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ bảo đảm sẽ
kéo theo việc chấm dứt giao dịch thế chấp và việc nghĩa vụ được bảo đảm vô hiệu
sẽ kéo theo việc thế chấp vô hiệu.
Hơn nữa thế chấp là biện pháp bảo đảm không kéo theo việc
chuyển giao tài sản bảo đảm cho bên nhận thế chấp. Do đó, trong quá trình thế
chấp tài sản, chừng nào chưa xử lý tài sản thế chấp thì tài sản này vẫn do bên
thế chấp quản lý và sử dụng trừ trường hợp tài sản do bên thứ ba giữ theo ủy
quyền của bên thế chấp hay theo quy định của các hợp đồng, giao dịch giữa bên
thứ ba và bên thế chấp. Tuy nhiên, bên nhận thế chấp có quyền yêu cầu bên thuê,
bên mượn tài sản thế chấp chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp nếu việc sử
dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó.
Bên cạnh đó tài sản thế chấp đều có đăng ký quyền sở hữu nên
người nhận thế chấp không thể xác lập quyền sở hữu đối với tài sản này. Người
nhận thế chấp phải yêu cầu bán đấu giá tài sản để đảm bảo nghĩa vụ dân sự được
thực hiện. Nhưng trên thực tế thì người nhận thế chấp phải trải qua giai đoạn
khởi kiện và thi hành bản án mới có thể bán được tài sản thế chấp. Thực trạng
này làm cho người nhận thế chấp tốn nhiều thời gian và chi phí, bởi lẽ các cơ
quan bán đấu giá tài sản không dám nhận bán đấu giá các tài sản chưa có bản án
và quyết định bán đấu giá của cơ quan thi hành án.
Trong trường hợp mà người thế chấp không có khả năng để thực
hiện nghĩa vụ để nhận lại tài sản thế chấp thì sẽ gây nhiều khó khăn cho bên
nhận thế chấp. Trong thực tế đã có không ít những trường hợp mà bên thế chấp
không có khả năng thực hiện nghĩa vụ dẫn đến bên nhận thế chấp phải giải quyết
tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên hiện nay khi các quy định mới của Bộ
luật Dân sự
2015 có hiệu lực thì việc áp dụng các quy định này trong giao dịch thế chấp tài
sản trở nên phù hợp hơn, đáp ứng và phòng tránh được rủi ro của các chủ thể
trong giao dịch thế chấp khi xác lập biện pháp bảo đảm này cho nghĩa vụ chính
được đảm bảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét