Thứ Hai, 5 tháng 3, 2018

Điểm mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự trong việc hoãn phiên tòa sơ thẩm trong trường hợp vắng mặt đại diện Viện kiểm sát nhân dân

Vì tính chất quan trọng của sự tham gia tố tụng tại phiên tòa của các chủ thể quan hệ pháp luật tố tụng, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 cũ quy định hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa trong một số trường hợp cụ thể, trong đó có quy định tại Điều 207 liên quan đến đại diện Viện kiểm sát nhân dân như sau:



1. Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa

2. Trong trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu.

Trong trường hợp không có Kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa và thông báo cho Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp.

Nội dung này của Bộ luật dân sự năm 2004 không quy định rõ nếu trường hợp Tòa án mở phiên tòa sơ thẩm dân sự mà Kiểm sát viên vắng mặt thì có bắt buộc Tòa án phải hoãn phiên tòa hay không, do đó hầu như trong trường hợp này các Tòa án đều tự hiểu là cần phải hoãn phiên tòa để tránh bị Tòa án cấp trên cho rằng vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng dẫn đến bị hủy án.



Đến khi Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 ra đời, vấn đề này đã được quy định rõ ràng và cụ thể tại Điều 232 như sau:

1. Kiểm sát viên được Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp phân công có nhiệm vụ tham gia phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa.

2. Trường hợp Kiểm sát viên bị thay đổi tại phiên tòa hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa xét xử, nhưng có Kiểm sát viên dự khuyết thì người này được tham gia phiên tòa xét xử tiếp vụ án nếu họ có mặt tại phiên tòa từ đầu.


Như vậy, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm dân sự trong trường hợp pháp luật cho phép, nhưng nếu những vụ án đó vắng Kiểm sát viên thì Tòa án không phải hoãn phiên tòa. Quy định này hoàn toàn hợp lý bởi theo Hiến pháp 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Viện kiểm sát vừa có quyền giám sát trực tiếp vừa có quyền giám sát gián tiếp. Trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát có mặt tại phiên tòa sơ thẩm trước hết để thực hiện nghĩa vụ để giám sát việc tuân theo pháp luật, tuy nhiên chỉ bắt buộc có mặt trong một số trường hợp, nếu vắng mặt kiểm sát viên mà hoãn phiên tòa sẽ làm kéo dài thời hạn tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự đồng thời ảnh hưởng đến hiệu quả xét xử của Tòa án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét