Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 có quy định:
“Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án
giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác
mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của
bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính
mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Đây là một quy định
hoàn toàn mới được Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 ghi nhận bởi trên thực tế có những trường hợp một bên bị bệnh
tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của
mình, bên kia không những không quan tâm, chăm sóc theo đúng nghĩa vụ mà còn có
hành vi hành hạ, ngược đãi hoặc các hành vi khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng…
của một bên thì theo quy định cha, mẹ, người thân thích khác của vợ chồng có
quyền yêu cầu ly hôn. Quy định này đã tháo gỡ được những nút thắt về vấn đề quyền
yêu cầu ly hôn. Vì do trước đây chỉ quy định việc ly hôn phải do chính vợ, chồng
yêu cầu, trong khi họ có thể bị bệnh tâm thần dẫn đến không có đầy đủ năng lực
hành vi dân sự khi đó không có đầy đủ khả năng, nhận thức về hành vi của bản
thân. Chính lý do vậy mà khi đề đơn ra Tòa, Tòa án không thụ lý, không giải quyết.
Người thân thích
khác được giải thích tại khoản 19 Điều 3 Luật Hôn
nhân & Gia
đình bao gồm:“[…]người
có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có
họ trong phạm vi ba đời.”
Quy định này đã gây
ra nhiều luồng suy nghĩ. Có quan điểm cho rằng cha, mẹ ở đây là cha, mẹ ruột và
không quy định cha, mẹ chồng (hoặc cha, mẹ vợ). Nhưng cũng có quan điểm khác lại
cho rằng quy định như vậy bao gồm cả cha, mẹ hai bên. Và việc quy định người
thân thích khác ở đây cũng tạo ra sự khó hiểu? Trong khi đó theo khoản 19 Điều 3 thì người thân
thích sẽ có cả cha, mẹ vậy mà luật lại nói “cha, mẹ, người thân thích” mà không
nói “người thân thích”, vấn đề này cần có những quy định cụ thể hơn nữa để
tránh gây nhiều luồng suy nghĩ khác nhau.
Tuy nhiên, việc quy
định trên vậy xuất phát từ ý nghĩa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của một bên vợ
hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được
hành vi của mình. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp người vợ hoặc chồng bị tâm thần
lại “đồng thời” là nạn nhân của bạo lực
gia đình do vợ, chồng của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức
khỏe, tinh thần của họ thì cha, mẹ, người thân thích khác của vợ, chồng mới có
quyền yêu cầu ly hôn. Việc quy định này nhằm đảm bảo việc yêu cầu ly hôn của vợ
chồng do cha, mẹ, người thân thích khác của vợ chồng thực hiện nhằm hướng tới
việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của một trong hai bên vợ, chồng chứ không
phải vì những mục đích khác nhằm phá vỡ quan hệ hôn nhân của vợ chồng hay lạm dụng
quyền mà pháp luật trao cho.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét