Thứ Hai, 12 tháng 3, 2018

Tác động tích cực của Thuế thu nhập doanh nghiệp tới nguồn thu ngân sách nhà nước

Việc ra đời của thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ta là kết quả của việc cải cách hệ thống thuế nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của nhà nước và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ đổi mới. Cùng với các loại thuế khác, thuế đánh lên thu nhập của doanh nghiệp đã được ban hành. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 1997 thay cho thuế  lợi tức trước đó ra đời quy định mức thuế suất là 32%; mức thuế suất tiếp tục được giảm xuống 28% năm 2003; 25% năm 2008; 22% năm 2013 và hiện nay áp dụng mức thuế suất 20%.


Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013, mức thuế suất dành cho doanh nghiệp sẽ bao gồm nhiều mức thuế khác nhau tương ứng với từng loại mô hình doanh nghiệp khác nhau. Cụ thể như: Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông hiện nay là 20% và đây cũng là mức thuế suất dành cho doanh nghiệp có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng. Đối với những doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam sẽ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là từ 32% đến 50% phù hợp với từng dự án, từng cơ sở kinh doanh. Ngoài ra còn có các mức thuế suất ưu đãi là 10% và 17% đối với các mô hình doanh nghiệp vừa và nhỏ (Điều 13).

Xuất phát từ quy định của pháp luật, ta có thể đưa ra một số ảnh hưởng tích cực của Thuế thu nhập doanh nghiệp đến nguồn thu cho Ngân sách nhà nước như sau:

Thứ nhất, việc giảm mức thuế suất theo quy định của pháp luật hiện nay hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung trong cải cách chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp trên thế giới hiện nay. Đối chiếu với mức thuế suất qua từng thời kỳ, có thể thấy mức thuế suất được điều chỉnh theo xu hướng giảm dần, từ 32% giảm xuống còn 20%. Dựa theo số liệu từ 2009 đến 2014, một số nước Châu Á đã giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để thu hút đầu tư như là: Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ở Malaysia là 25%; Thái Lan cũng giảm thuế suất từ 30% xuống 20% năm 2014. Năm 2008, Trung Quốc cũng đã thực hiện điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp trong nước từ 33% xuống 25% và xóa bỏ toàn bộ các quy định phân biệt đối xử về nghĩa vụ thuế giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Vào thời điểm đó, ở châu Á, Singapore và Đài Loan là hai nền kinh tế có mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thuộc vào nhóm thấp nhất là 17%. Như vậy, có thể thấy việc điều chỉnh mức thuế suất như hiện nay là phù hợp với tình hình chung của khu vực; góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nước ta trong khu vực nhằm thu hút vốn đầu tư và đảm bảo mặt bằng chung với các nước.


Thứ hai, việc giảm mức thuế suất không những không làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn kích thích tăng trưởng kinh tế, làm tăng ngân sách trong giai đoạn sau. Thu nhập doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước của Việt Nam. Việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp có thể trước mắt làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng bù lại nó sẽ kích thích kinh tế của các doanh nghiệp phát triển nhanh, do việc giảm thuế suất sẽ khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp trong nước, tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, không những vậy, nó còn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng vì mức thuế suất của Việt Nam phù hợp với xu hướng chung về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của các quốc gia trong khu vực, từ đó sẽ giúp các doanh nghiệp của chúng ta có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Kinh tế doanh nghiệp phát triển ổn định đương nhiên sẽ tạo ra nguồn thu lớn hơn, dẫn đến nguồn thu cho ngân sách nhà nước về sau cũng sẽ tăng cao, thậm chí còn duy trì được ở mức ổn định.

Thứ ba, cùng với việc giảm thuế suất thì những quy định về mức thuế suất dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; những ưu đãi dành cho nhóm doanh nghiệp khác  cũng tác động tích cực đến nguồn thu Ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng. Tại Việt Nam việc áp dụng chính sách thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất phổ thông sẽ tạo điều kiện cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng tích lũy để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thành các doanh nghiệp lớn.


Như vậy, từ những phân tích ở trên có thể thấy, những quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể là mức hạ thuế suất hiện nay cũng như các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đã tác động tích cực đến nguồn thu Nhà nước. Về lý thuyết, nguồn thu có thể bị giảm trong ngắn hạn; tuy nhiên trên thực tế việc hỗ trợ doanh nghiệp bằng những chính sách, ưu đãi kết hợp khâu quản lý thuế chặt chẽ đã kích thích doanh nghiệp phát triển, tái đầu tư; thu hút vốn đầu tư nước ngoài giúp nguồn thu Nhà nước tăng lên và ổn định hơn, có thể tái cơ cấu lại nguồn thu trong nước để tăng tỷ trọng thu nội địa giúp cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét