Căn cứ quy định tại Điều 60, Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị can được nhận quyết định khởi tố, bị cáo được nhận quyết định đưa vụ
án ra xét xử. Ngoài ra bị can, bị cáo còn được nhận quyết định áp dụng, thay đổi
hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án hay các quyết định tố tụng khác theo quy định
của Bộ luật Tố tụng hình sự…
Bị can, bị cáo có quyền nhận được các quyết định tố tụng có liên quan đến
quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Quyết định này nhằm tạo điều kiện để bị can, bị
cáo thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ tố tụng, đặc biệt là quyền bào chữa. Đồng
thời quyết định này cũng đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết
vụ án theo đúng thủ tục pháp luật, các quyết định phải được đưa ra dưới hình thức
văn bản, có căn cứ và đúng pháp luật.
Với bị can, khi tham gia vào quá trình tố tụng, họ được quyền nhận các
quyết định và văn bản tố tụng như: quyết định khởi tố bị can; quyết định áp dụng,
thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ điều
tra…cùng các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Các quyết định này có liên quan trực tiếp đến bị can, vì vậy quy định này sẽ nhằm
đảm bảo cho bị can có thể thực hiện tốt các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Đối với bị cáo, họ có quyền nhận các quyết định có liên quan đến quyền
và nghĩa vụ của họ. Trong đó, quyền đầu tiên và quan trọng của bị cáo là quyền
nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử. Vì quyết định đưa vụ án ra xét xử có ý
nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, quyết định này sẽ khiến người
bị buộc tội chuyển từ tư cách bị can sang tư cách bị cáo. Bị cáo khi nhận được
quyết định đưa vụ án ra xét xử có thể biết mình bị xét xử với tội danh gì, thời
gian, địa điểm mở phiên tòa, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký, Kiểm sát viên tham
gia phiên tòa, người bào chữa, người phiên dịch, những người được triệu tập để
xét hỏi tại phiên tòa… Trên cơ sở đó họ mới có thể thực hiện
các quyền cũng như nghĩa vụ của mình. Nếu không được đảm bảo quyền này, bị cáo có quyền yêu cầu hoãn phiên
tòa.
Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo; đề
cao tinh thần trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng; đồng thời thể
hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật hình sự Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét