Nghề luật sư được xem là nghề tiêu biểu và
thể hiện được những đặc trưng tiêu biểu của nghề luật. Nghề luật sư không giống
như những nghề nghiệp chuyên môn khác vì ngoài những kiến thức và kĩ năng thì
những người luật sư còn cần có đạo đức nghề nghiệp, có cái “tâm” với nghề.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Luật sư
thì “Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy
định tại Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan,
tổ chức”
Chức năng xã hội của luật sư
Hoạt động nghề nghiệp của luật sư góp phần bảo vệ công lý,
các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ
quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt
Nam xã hội chủ nghĩa, công bằng, văn minh.
Tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề luật sư
Điều
10 Luật Luật sư có quy định tiêu chuẩn của luật sư như sau: Công dân Việt Nam
trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức
tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập
sự hành nghề luật sư, có sức khỏe đảm bảo hành nghề luật sư thì có thể trở
thành luật sư
Người
có đủ tiêu chuẩn luật sư muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành
nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Đánh giá chung về vai trò của luật sư trong giai đoạn hiện nay
Cùng với sự phát triển của xã hội, luật sư đang từng bước khẳng định vị
trí và vai trò của xã hội. Đội ngũ luật sư đã góp phần quan trọng trong việc bảo
vệ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ
nghĩa, vì một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều đã đạt được, vai trò tự
quản của các Đoàn luật sư trong việc quản lý luật sư và hành nghề luật sư còn bộc
lộ nhiều hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về luật sư còn bất cập, chưa đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ trong thời đại mới. Chính vì điều này nên vai trò của luật
sư vẫn chưa đạt được mức cao nhất.
Và giải pháp từ các phía để phát huy vai trò của luật sư trong đời sống xã hội chính là:
Thứ nhất, các thể chế và chính sách của Nhà nước phải
rõ ràng, đồng bộ và phù hợp với các quy luật của cuộc sống. Bởi, Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý,
tạo điều kiện và khuyến khích luật sư trong hành nghề.
Thứ hai, các định chế đối với giới luật sư cần mở
rộng để họ tham gia nhiều hơn vào đời sống pháp lý của đất nước. Điều này sẽ tạo cơ hội để phát triển đội ngũ luật sư nhiều về số lượng,
mạnh về chất lượng và phát huy đầy đủ vai trò của họ trong nền kinh tế thị trường
có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, giới luật sư phải tự nâng cao năng lực -
đạo đức nghề nghiệp, đồng thời những người yêu thích nghề này cần nhớ rằng học
luật và thực tế khi làm luật sư là hai việc khác nhau. Hiểu biết pháp luật, tích lũy kinh nghiệm, có bản
lĩnh và cái tâm với nghề là những điều cần thiết.
Vị thế nghề nghiệp cho luật sư được quyền phản biện,
nhưng sử dụng cái quyền ấy như thế nào lại là cách thức của mỗi luật sư khi
hành nghề. Quyền phản biện ấy có giới hạn, bởi sự bày tỏ pháp lý hay tranh tụng,
về bản chất đều hướng đến tiếp cận sự thật và công bằng. Nếu đặt quyền phản biện
ấy ra ngoài ranh giới của lòng chân thành, tách rời khỏi đất nước và con người
nơi mình sinh ra và tồn tại thì ý nghĩa cao quý của nghề luật sư không còn nữa.
Xét cho cùng, quan điểm của luật sư đưa ra chưa hẳn thấu đáo, nhưng nhất quyết
không nên song hành với những thủ đoạn triệt tiêu sự thật và tổn hại đến những
hy vọng vốn dĩ quá mong manh của một đời người. Vai trò của luật sư trong giai
đoạn hiện nay thật sự quan trọng như vậy.