Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu
nhập của người nộp thuế, mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp và tổ chức sản xuất
kinh doanh.
Bên cạnh các đặc điểm chung của thuế như: là khoản thu nộp bắt buộc
vào ngân sách; gắn liền với yếu tố quyền lực; có tính cưỡng chế và tính pháp lý
cao; không mang tính đối giá; không hoàn trả trực tiếp;… Thuế thu nhập doanh
nghiệp còn có một số đặc điểm riêng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, tức là
người nộp thuế và người chịu thuế là một, không có sự chuyển giao nghĩa vụ từ
người nộp thuế sang người chịu thuế. Ngoài mục tiêu tạo nguồn thu cho Ngân sách
Nhà nước, nó còn có mục tiêu là điều tiết kinh tế, điều hòa thu nhập xã hội nên
thường gắn liền với chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước. Bởi vậy, pháp luật
thuế thu nhập ở các nước thường có những quy định cụ thể về chế độ ưu đãi, miễn
và giảm thuế để đảm bảo chức năng khuyến khích của Thuế thu nhập hoặc thực hiện
việc áp dụng đánh thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần đối với một số khoản
thu nhập chịu thuế để thực hiện mục tiêu điều tiết.
Thứ hai, Thuế thu nhập doanh nghiệp có đối tượng đánh thuế là thu
nhập, cụ thể là thu nhập chịu thuế của các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh
doanh hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, mức động viên của Ngân sách nhà nước đối với
loại thuế này phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả kinh doanh cũng như quy mô lợi
nhuận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào có thu nhập chịu thuế càng cao sẽ phải
nộp thuế thu nhập càng nhiều và ngược lại, các doanh nghiệp có thu nhập thấp hoặc
gặp khó khăn về tài chính sẽ chỉ phải nộp thuế ít, thậm chí được giảm thuế, miễn
thuế.
Thứ ba, Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế phức tạp, thiếu
ổn định, việc quản lý thuế, thu thuế tương đối khó khăn, chi phí quản lý thuế
thường lớn hơn so với các loại thuế khác.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
đánh trực tiếp vào thu nhập của tổ chức, kinh doanh và làm giảm ngay khả năng sử
dụng thu nhập có được của doanh nghiệp nên loại thuế này gây cảm giác mất mát
cho người nộp thuế, và vì vậy dễ gây ra phản ứng từ đối tượng nộp thuế, dẫn đến
tình trạng trốn thuế. Mặt khác, khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, việc xác định
các khoản thu nhập chịu thuế, nguồn gốc khoản thu, địa điểm phát sinh thu nhập,
yếu tố cư trú của tổ chức, các khoản chi phí hợp lý và không hợp lý mà việc khấu
trừ rất phức tạp, rất khó kiểm soát. Vì vậy các cơ quan quản lý thuế phải đầu
tư nhiều cả về tài lực, vật lực và nhân lực cho công tác quản lý lĩnh vực thuế
này. Việc quản lý khó khăn, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ thuế đông đảo và có
trình độ chuyên môn, quản lý kinh tế cao, kèm theo việc áp dụng phương tiện quản
lý có kỹ thuật hiện đại với một hệ thống pháp luật đầy đủ, có hiệu lực và quan
hệ giao tiếp công vụ tốt.
Thứ tư, các quan hệ xã hội nảy sinh từ việc thu – nộp thuế thu nhập
doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh đồng thời của pháp luật quốc gia và luật quốc tế.
Nguồn luật điều chỉnh quan hệ thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm các văn
bản pháp luật quốc gia và cả luật quốc tế. Bởi thuế thu nhập doanh nghiệp là
thuế trực thu nên nó có thể là đối tượng được điều chỉnh bởi hiệp định tránh
đánh thuế hai lần. Một nước có chính sách ưu đãi thuế bằng cách miễn thuế đối với
một số thu nhập để khuyến khích đầu tư nước ngoài trong việc phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc chuyển lợi nhuận từ một nước, nơi phát sinh thu nhập về nước là
nơi người nộp thuế thuộc đối tượng cư trú đã loại trừ các lợi ích của việc ưu
đãi thuế, có nghĩa là số thuế được miễn giảm ở nước phát sinh thu nhập đã bị
thu đầy đủ ở nước nơi người nộp thuế thuộc đối tượng cư trú. Điều này sẽ làm nản
lòng các nhà đầu tư mà một nước đã cố gắng có chính sách khuyến khích thông qua
pháp luật. Vì vậy, việc ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa các
quốc gia là cần thiết.
Tóm lại, thuế thu nhập doanh nghiệp thiếu tính ổn định hơn các loại thuế gián thu khác bởi thuế thu nhập doanh nghiệp chịu sự ảnh hưởng của thị trường cũng như nền kinh tế cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét