Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Sự khác nhau giữa Nhãn hiệu thông thường và Nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Tuy nhiên, nhãn hiệu được chia thành nhiều loại khác nhau, và khi một nhãn hiệu trở nên quen thuộc, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi thì nhãn hiệu lại trở thành biểu tượng, đại diện cho cả một hệ thống. Vì vậy cần phân biệt được nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu thông thường để tránh gây ra nhầm lẫn, cụ thể như sau:



Thứ nhất, về khái niệm


Nhãn hiệu thông thường là những nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau theo Điều 16 Luật sở hữu trí tuệ

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam, được quy định cụ thể tại Điều 20 Luật sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, căn cứ xác lập quyền


Được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ

Nhãn hiệu thông thường: Quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nhãn hiệu nổi tiếng:  Quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.


Thứ ba, về điều kiện bảo hộ


Nhãn hiệu thông thường: Đáp ứng các điều kiện từ Điều 72 đến Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ

Nhãn hiệu nổi tiếng: Không chỉ đáp ứng các điều kiện như nhãn hiệu thông thường mà còn phải đáp ứng Điều 75 – Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng của Luật sở hữu trí tuệ như : Số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến nhãn hiệu; Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ liên quan đến  nhãn hiệu; Uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu ; Số lượng quốc gia bảo hộ hay Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng…



Thứ tư, về thời hạn bảo hộ


Nhãn hiệu thông thường: Áp dụng theo khoản 6 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ - tức hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần không quá 10 năm.

Nhãn hiệu nổi tiếng: Không xác định thời hạn, được bảo hộ cho đến khi còn đáp ứng các tiêu chí được coi là nổi tiếng.

Thứ năm, cơ chế bảo hộ đối với việc đăng kí


Nhãn hiệu thông thường: Chủ sở hữu chỉ có quyền phản đối việc đăng kí hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu đối với dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cho hàng hóa, dịch vụ hoặc tương tự

Nhãn hiệu nổi tiếng: Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền phản đối việc đăng kí hoặc yêu cầu hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu đối với các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự hoặc không tương tự, nếu việc sử dụng có thể ảnh hưởng đến khả năng phân biệt hoặc nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng (theo điểm i khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ)

Thứ sáu, cơ chế bảo hộ đối với việc sử dụng


Nhãn hiệu thông thường: Bị coi là xâm phạm nhãn hiệu nếu thực hiện các hành vi được quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ

Nhãn hiệu nổi tiếng: Bị coi là xâm phạm nhãn hiệu nếu thực hiện hành vi được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ

Trên đây là những điểm khác nhau cơ bản giữa nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu thông thường. Mong rằng với bài viết này, các bạn sẽ thu được những thông tin hữu ích cho công việc và cuộc sống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét