Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Thị trường ngoại hối và những đặc trưng riêng biệt

Sự hình thành thị trường ngoại hối ở Việt Nam chính thức được bắt đầu từ sau sự ra đời của Trung tâm giao dịch ngoại tệ theo Quyết định số 207/NH-QĐ ngày 16/08/1991 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Đến tháng 09/1994, Thống đốc ngân hàng ra quyết định số 203/NH-QĐ thành lập Thị trường Ngoại tệ Liên ngân hàng thay thế cho Trung tâm giao dịch ngoại tệ hoạt động cho đến ngày nay.

Thị trường ngoại hối tồn tại một cách phổ biến trong bất kì nền kinh tế nào, không phân biệt về thể chế chính trị hay trình độ phát triển kinh tế, tình trạng xã hội. Và vì là thị trường mua bán các hàng hóa đặc biệt – có đối tượng giao dịch chủ yếu là đồng tiền của các nước khác nhau, nên thị trường ngoại hối có dấu hiệu riêng biệt mà các thị trường khác không có. 

Thứ nhất, thị trường ngoại hối (điển hình là thị trường hối đoái) hoạt động liên tục suốt 24/24 giờ trên phạm vi toàn cầu với lưu lượng khổng lồ các ngoại tệ được lưu chuyển qua thị trường. Sở dĩ thị trường hối đoái (với ý nghĩa là hình thái tồn tại cụ thể của thị trường ngoại hối) hoạt động liên tục như vậy là vì có sự khác nhau về múi giờ giữa các quốc gia tùy theo vị trí địa lí. Chẳng hạn, khi thị trường hối đoái ở một quốc gia phương Đông đóng cửa vào thời điểm cuối ngày giao dịch thì cũng là lúc thị trường hối đoái ở một quốc gia phương Tây bắt đầu mở cửa cho ngày giao dịch mới.


Thứ hai, đối tượng chủ yếu được mua bán trên thị trường ngoại hối là các khoản tiền gửi ghi bằng ngoại tệ tại các ngân hàng, ngoại tệ hiện hữu và các loại tài sản khác (kim loại quý, phương tiện thanh toán quốc tế…) có thể chuyển đổi thành ngoại tệ mạnh.

Thứ ba, thị trường ngoại hối ở một quốc gia bao giờ cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế.

Những dấu hiệu trên đây của thị trường ngoại hối cho thấy rằng sự lưu thông của ngoại hối trên thị trường tự thân nó đã chứa đựng những ảnh hưởng sâu sắc, lớn lao đối với nền kinh tế - xã hội của quốc gia như hoạt động xuất nhập khẩu, việc điều hành tỉ giá hối đoái và sức mua của đồng tiền nội địa. Vì thế, chính phủ mỗi quốc gia đều phải tiến hành kiểm soát hay can thiệp đối với quá trình lưu thông ngoại hối, với mục tiêu bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát và duy trì sự tăng trưởng kinh tế đất nước.

Ở Việt Nam, Nhà nước thực hiện việc kiểm soát hoạt động ngoại hối trên thị trường thông qua các cơ quan chức năng là Chính phủ và Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét