Âm nhạc là vũ khí sắc bén để gửi đi các thông điệp về tình yêu, tình bạn,
tình cảm gia đình, tình yêu quê hương… hay các vấn đề liên quan đến chiến
tranh, biến đổi khí hậu… Và trong suốt hàng trăm, hàng nghìn năm phát triển, âm
nhạc càng thể hiện sức mạnh to lớn của mình.
Thị trường âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang rất
phát triển, việc đạo nhạc, đạo ý tưởng hay cụ thể hơn là vấn đề bản quyền đã trở
thành vấn đề mang tính quốc tế.
Nói đến vi phạm bản quyền, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến âm nhạc. Bởi trong
âm nhạc, việc vay mượn ý tưởng thường xuyên xảy ra, đặc biệt tại Việt Nam. Từ lấy
ý tưởng MV, lấy một đoạn beat hoặc thậm chí cả bài nhạc cũng đang xảy ra như “cơm
bữa”. Một ví dụ gần đây, cộng đồng fan K-Pop cũng như những người yêu âm nhạc cảm
thấy khá bức xúc khi mà beat nhạc bài hát “Be I” của nam ca sỹ B.I nhóm iKON bị
sao chép gần như toàn bộ bởi một số rapper người Việt Nam là Lil Shady, Bình
Gold và Zenky. Ngay sau khi bài hát được đăng tải trên Youtube, cộng đồng fan
iKON là iKonic đã lên tiếng phản đối và yêu cầu bài hát phải được gỡ bỏ. Thậm
chí, họ đã gửi mail đến YG – công ty quản lý trực tiếp của iKON để yêu cầu YG
kiện vi phạm bản quyền.
Vẫn biết rằng, việc sáng tạo là rất khó khăn nhưng việc sao chép ý tưởng,
sao chép beat nhạc một phần hay toàn phần đều là đạo nhái. Mà vấn đề ăn cắp và
đạo nhái chất xám là điều đáng lên án nhất. Nhiều người vẫn “hồn nhiên” ăn cắp
mà không biết rằng mình đang phạm tội.
Như tại Mỹ, để một bản nhạc đến với người nghe phải trải qua 6 loại bản
quyền. Đó là Reproduction; Derivative; Public display; Public performance;
Distribution và Digital transmission. Theo luật liên bang, khi một người đã viết
ra một bản nhạc thì không ai có quyền tái xuất nó nếu không trả tiền tác quyền.
Và đặc biệt, những tác phẩm phái sinh chỉ được ra đời nếu có sự đồng ý của tác
giả bản nhạc.
Ở Việt Nam, vấn đề bản quyền được quy định tại khá nhiều văn bản
pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng các văn bản này lại chưa hiệu quả
và triệt để. Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định những hành vi xâm phạm quyền
tác giả, nếu vi phạm quy định này, tác giả có quyền yêu cầu người đã sao chép phải gỡ bỏ bài hát của mình hoặc
phải
có nghĩa vụ trả tiền
thù lao hợp lý. Tùy theo
tính chất và mức độ thực hiện, hành vi sao chép tác phẩm mà không xin phép tác
giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vấn đề xử phạt hành chính được quy định
cụ thể tại Nghị định 131/2013 NĐ-CP. Mức tiền phạt từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác
phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam đã hình sự hóa vấn đề đạo nhái, sao chép
mà cụ thể Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Điều 225 đã quy định về tội xâm phạm quyền
tác giả, quyền liên quan. Khung hình phạt cơ bản là từ 50.000.000 triệu đến
300.000.000 triệu hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra còn có khung
tăng nặng hoặc các hình phạt bổ sung khác.
Tóm lại, từ những hành vi như mượn ý
tưởng, sao chép bản nhạc… xét về góc độ pháp lý hay góc độ xã hội đều là hành
vi gây nguy hại. Nguy hại ở đây là nguy hại cho lớp trẻ khi sự dựa dẫm và ỷ lại
ngày càng lớn. Việc sáng tạo trở nên dễ dàng hơn khi chỉ việc cóp nhặt từ chỗ
này chỗ khác. Đành rằng sáng tạo không dễ, và tài năng là một công cụ quan trọng.
Nhưng ngày nay, người làm nhạc thì đông, mà tài năng lại hiếm. Việc này không
chỉ xảy ra ở nước ta, mà hầu hết ở các nước khác đều như vậy, đây là điều tự
nhiên. Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao trong số 1 tỷ album nhạc phát hành trên
thế giới vi phạm bản quyền, số lượng thu về có tới 80% bắt nguồn từ châu Á?
Nước ta hiện nay đã tạo cho người trẻ
khá nhiều cơ hội để phát triển, và cái mà xã hội mong muốn là sự nghiệp của họ
được tạo ra từ chính tài năng và sự nỗ lực của họ chứ không phải là những sản
phẩm được đạo nhái của người khác.
Đạo nhái là hệ quả tất yếu của xã hội
thiếu minh bạch, giáo dục và thượng tôn pháp luật chưa thực sự được đề cao. Vì
vậy, pháp luật cần chặt chẽ hơn trong việc quy định về vấn đề bản quyền và bảo
vệ lợi ích của tác giả, và xã hội thực sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là xã hội
biết lên án những hành vi trộm cắp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét