Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

Quy định mới về con dấu pháp nhân của Doanh nghiệp

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, mỗi doanh nghiệp chỉ được sử dụng một con dấu, trừ trường hợp được chấp thuận sử dụng con dấu thứ hai và phải được đăng kí mẫu tại cơ quan công an. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/07/2015, doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng, nội dung con dấu của doanh nghiệp nhưng phải được thông báo mẫu con dấu với cơ quan chức năng để đăng tải thông tin công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp. 



Trên con dấu bắt buộc phải có Tên và Mã số doanh nghiệp, ngoài ra có thể in ấn logo, hình thù khác miễn không vi phạm Điều 14 Nghị định 96/2015 NĐ-CP quy định về hình ảnh, ngôn ngữ không được sử dụng trong nội dung mẫu con dấu như không được sử dụng quốc kỳ, quốc huy, những hình ảnh, biểu tượng tên của nhà nước hay các đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị…

Quy định mới về con dấu cho thấy Nhà nước đã không hướng tới việc quản lý chặt chẽ đối với con dấu như quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2005:
“1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai”.



Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định về lưu giữ và quản lý con dấu. Theo đó, thay vì quy định cứng như trong Luật Doanh nghiệp 2005 là phải lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2014 cho phép Điều lệ công ty quy định việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu (Theo Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014). 

Quy định mới về con dấu đã giúp cho các doanh nghiệp đỡ phiền hà, tốn kém về chi phí, thời gian. Theo xu hướng phát triển phương thức giao dịch điện tử, thì việc dùng con dấu sẽ không còn ý nghĩa nữa. Vì vậy, việc cải cách về con dấu là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới. Hiện nay, con dấu doanh nghiệp còn bị ràng buộc bởi nhiều quy định về giao dịch trong một số bộ luật, nếu bỏ hoàn toàn sẽ phát sinh số lượng công việc rất lớn và có thể chưa đảm bảo chặt chẽ trong quản lý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét